Photobucket

Mẹ Sầu Bi (15-9)

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi xuất hiện trong thế kỷ XII, nhưng đã thấy có dấu vết từ cuối thế kỷ XI trong các bài viết của thánh Anselmô và nhiều tu sỹ Biển Đức hoặc Cisterciens .

Lễ được quảng bá ban đầu bởi các tu sĩ Cisterciens. Về sau do các tu sĩ Servites quảng bá, và phổ biến vào thế kỷ XIV và XV. Tại Cologne, lễ được cử hành lần đầu tiên năm 1423, ngày thứ sáu sau Chúa nhật thứ ba Phục sinh. Theo một sắc lệnh của công đồng tỉnh Mayence, việc thiết lập lễ Đức Mẹ sầu bi là để đền tạ những xúc phạm do những người theo phe Jean Hus gây ra đối với các ảnh tượng Mẹ.


Năm 1482, lễ được đưa vào sách lễ với tước hiệu Đức Bà trắc ẩn. Nhưng mãi đến năm 1728, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XII mới đưa vào lịch phụng vụ Roma. Bấy giờ được định vào ngày thứ sáu trước Lễ Lá. Năm 1668, vào ngày Chúa nhật sau 14 tháng chín lễ bị bãi bỏ, và lễ đã được giữ lại chung với lễ Kính Bảy sự Thương Khó Đức Bà, do các tu sỹ Servites đã đưa trước. Năm 1814, lễ được cho vào niên lịch. Sau đó, được Đức Giáo Hoàng Piô X năm 1913 định vào 15 tháng chín.

Lễ Đức Mẹ sầu bi cử hành ngay sau lễ kính Thánh giá cho thấy ý nghĩa hiển nhiên của nó. Các bức tượng Pietà, đặc trưng của nghệ thuật Gothique sau này vào thời phục hưng, cũng như một số ca vãn như Stabat Mater hoặc Les lamentations de Marie chỉ nói lên những đau khổ của Đức Mẹ dưới chân Thánh giá Chúa.
Từ thế kỷ XIV, người ta bắt đầu chiêm niệm các khổ đau khác, đã xác định là bảy: lưỡi gươm của Siméon, trốn sang Ai cập, gặp lại Con nơi Đền thờ, trên đường Canvê, đóng đinh, hạ xác, táng trong mộ. Ngày nay, lễ kính các đau khổ của Đức Maria, nói cách chung, không có thêm lễ nhớ các nỗi đớn đau của Đức Mẹ trong thời gian mùa Thương khó nữa.

Bài giảng thánh Bênađô (Phụng vụ Giờ Kinh) ca tụng sự đồng cảm lớn lao của Đức Trinh nữ Maria: “Trong sự thương khó của Đức Kitô, thực sự đã hoàn tất một tình bác ái lớn lao chưa ai từng thấy, và trong sự đồng cảm của Đức Maria thực sự đã hoàn tất một tình bác ái lớn lao không đâu bằng, ngoại trừ tình bác ái của Đức Kitô”.

Nguồn: Phụng Vụ Chư Thánh


            
          Người ta thường cho rằng Đức Mẹ phải chịu 7 sự đau đớn. Thực ra, số 7 muốn nói Đức Mẹ đã chịu đau đớn rất nhiều. Có thể nói Đức Mẹ đã chịu tất cả mọi sự đau đớn mà một người có thể gặp phải. Tại sao Đức Mẹ lại phải chịu đau đớn. Thưa Đức Mẹ phải chịu đau đớn trước hết vì Đức Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu.

Tục ngữ Việt Nam có câu : “Máu chảy ruột mềm”. Về phương diện thể lý, những người cùng máu huyết có sự gần gũi, yêu mến, cảm thông sâu xa. Sự gần gũi cảm thông càng rất mạnh mẽ và sâu xa giữa mẹ với con. Đứa con là thịt máu của mẹ. Đứa con đã sống trong lòng mẹ 9 tháng. Đứa con sống bên cạnh mẹ ít là 3 năm. Chỉ xét về phương diện tự nhiên, mẹ với con đã có sự gần gũi và gần như đồng cảm. Người mẹ có thể đoán được ý nghĩ của con. Và nhất là người mẹ luôn cảm thấy những nỗi đau khổ của con. Vì thế khi Chúa Giê su chịu đau khổ, lòng Đức Mẹ cũng tan nát “như bị gươm sắc thâu qua lòng vậy”.

Nhưng Đức Mẹ còn đau đớn vì luôn hiệp thông với Chúa Giê su trong chương trình của Đức Chúa Cha. Từ khi thưa “Xin Vâng” với thiên thần truyền tin, Đức Mẹ hoàn toàn sống cho chương trình của Đức Chúa Cha. Nếu Chúa Giê su vì vâng lời Đức Chúa Cha mà sẵn lòng chịu chết trên cây thánh giá, thì Đức Mẹ cũng vì vâng lời Đức Chúa Cha mà sẵn sàng đón nhận Chúa Giê su làm con, và vì thế sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ với Chúa Giê su theo ý Đức Chúa Cha. Nếu việc Chúa Giê su chết trên thánh giá nói lên lòng vâng phục đến tận cùng, thì việc Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá nói lên sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giê su trong tất cả những đau đớn mà Chúa Giê su phải chịu.


Vì hiệp thông với Chúa Giê su mà Đức Mẹ hịêp thông trọn vẹn với Giáo Hội. Chúa Giê su hiểu rằng Đức Mẹ luôn có tâm tình hiệp thông, nên trước khi từ giã trần gian, Chúa Giê su đã yêu cầu Đức Mẹ tiếp tục giữ tâm hồn rộng mở. Khi trối thánh Gioan cho Đức Mẹ, Chúa Giê su muốn Đức Mẹ đã hiệp thông với Chúa thế nào thì cũng hiệp thông với Giáo Hội như vậy. Vì thánh Gioan là đại diện cho Giáo Hội, người con yêu dấu mà Chúa Giê su vừa khai sinh. Chúa Giê su muốn Đức Mẹ đã chăm sóc hài nhi Giê su như thế nào, thì cũng chăm sóc Giáo Hội như thế. Giáo Hội mới thành lập cũng như đứa trẻ sơ sinh còn non yếu, cần bàn tay từ ái, cần trái tim từ mẫu của Đức Mẹ chăm sóc. Đức Mẹ đã đáp lời Chúa Giê su, về sống trong nhà thánh Gioan, nâng đỡ vị Giáo hoàng đầu tiên là thánh Phê rô, nâng đỡ các vị Giám mục đầu tiên là các thánh Tông đồ. Sách Công vụ Tông đồ tường thuật lại rằng : Sau khi Chúa Giê su về trời, Đức Mẹ vẫn tiếp tục ở bên các Tông đồ, nâng đỡ và cầu nguyện với các ngài cho đến ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, các Tông đồ đủ lớn mạnh.

Gia đình Cùng Theo Chúa hôm nay đã ký giao ước. Chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ sầu bi dưới chân thánh giá.

Trước hết hãy noi gương Đức Mẹ, khi đã nói tiếng “Xin Vâng” thì luôn làm theo thánh ý Chúa cho đến cùng. Chúng ta đã ký kết giao ước, hãy trung thành thi hành cho đến cùng.

Ta cũng hãy noi gương Đức Mẹ, luôn hiệp thông với Giáo Hội. Yêu mến Chúa thì phải yêu mến Giáo Hội. Vì Giáo Hội do Chúa lập ra. Là đại diện của Chúa ở trần gian. Đức Mẹ vì yêu mến Chúa Giê su mà đi đến yêu mến Giáo Hội, hiệp thông với Giáo Hội. Chúng ta ký giao ước là thề hứa sống hiệp thông, hiệp thông với Chúa, hiệp thông với nhau. Ta hãy luôn hiệp thông với Giáo Hội qua các vị chủ chăn. Hãy sống trong căn nhà Giáo Hội như Đức Mẹ sống trong nhà thánh Gioan. Hãy cầu nguyện với Giáo Hội và trong Giáo Hội như Đức Mẹ cùng cầu nguyện với các thánh Tông đồ trong nhà Tiệc ly.

Khi sống mầu nhiệm hiệp thông, ta đi vào chương trình của Thiên Chúa và góp phần thực sự vào việc mở rộng Nước Chúa.

Lạy Đức Mẹ sầu bi, xin nâng đỡ chúng con. Amen.
TGM Ngô Quang Kiệt

0 nhận xét

Leave a Reply

Cảm ơn bạn đã đọc và cho ý kiến về bài viết.
>>> Để nhận xét:
1. Ở phần "Nhận xét với tư cách" bạn chọn phần "Tên/URL".
2. Bạn nhập tên của mình vào và ở mục URL bạn nhập tên và ".com" (Ví dụ: Tên: Vidu, URL:vidu.com) Và click "Tiếp Tục"
3. Và sau đó bạn chỉ cần nhận xét bài viết của mình và click "Đăng nhận xét"...

>>>Hân hạnh được đón tiếp bạn tại trang web "Con Yêu Mến Chúa!" . Hy vọng đây sẽ là nơi bổ ích và thú vị cho bạn. Rất mong nhận được sự đóng góp của bạn để cùng nhau xây dựng "Con Yêu Mến Chúa!" ngày 1 lớn mạnh.

Thân ái,
Cảm ơn bạn!