Thánh giá Tình yêu
Không biết từ bao giờ Thập giá đã được ngành tư pháp Rôma chọn làm án tử cho kẻ tội đồ và trở thành biểu tượng cho cái chết nhục nhã, nhưng lại biết rất rõ là từ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi Chúa Giêsu bị treo lên, Thập giá đã mang lấy ý nghĩa của ơn Cứu Độ Thiên Chúa đem đến trần gian và trở nên dấu chứng của tình yêu khơi nguồn sự sống. “Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên với Ta”.
Trong ngày lễ Suy tôn Thánh giá, xin chia sẻ về Thánh giá dấu chứng tình yêu đặc biệt này: dấu chứng tình yêu tự hiến; dấu chứng tình yêu tận hiến; dấu chứng tình yêu thánh hiến.
1. THÁNH GIÁ: DẤU CHỨNG TÌNH YÊU TỰ HIẾN
Thánh giá với Chúa Giêsu chịu đóng đinh chính là đỉnh cao của quá trình tự hiến. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã nêu lên quá trình tự hiến này khởi đi từ Mầu nhiệm Nhập Thể và kết thúc nơi Mầu nhiệm Cứu Độ. Chúa Giêsu vốn phận là Thiên Chúa, nhưng lại hủy mình ra không mà nhận lấy phận tôi đòi. Đó là tình yêu tự hiến trong Mầu nhiệm Nhập Thể. Người lại còn tự hạ vâng lời Chúa Cha cho đến chết, không êm ả trên nhung lụa mà vất vả trên cây Thập giá, để giải thoát muôn người. Đó là tình yêu tự hiến trong Mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh.
Tất nhiên, trong Mầu nhiệm Nhập Thể đã hàm chứa Mầu nhiệm Cứu độ ở dạng tiền đế, nhưng chính khi đi đến cùng nơi việc tự hạ của Chúa Giêsu qua Mầu nhiệm Thánh giá, người ta mới thấy lộ diện không phải là một luận lý mạch lạc của Ơn Cứu Độ, mà chính là tấm lòng của Đấng Cứu Thế vừa hiến mình vuông tròn làm của lễ đẹp ý Chúa Cha, vừa tự hiến trọn vẹn thân mình đến chết vì phần rỗi của hết mọi người.
Chính vì muốn làm nổi bật ý nghĩa của tình yêu tự hiến này, bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ 2005 đã điều chỉnh chữ “tự ý” bằng chữ “tự nguyện”. Chữ “tự ý” có nguy cơ khiến người đọc hôm nay hiểu là Chúa Giêsu tự do làm theo ý riêng hay do tự ý mình mà Chúa Giêsu tìm đến Thánh giá; còn chữ “tự nguyện” muốn diễn tả Chúa Giêsu tự do buông mình sẵn sàng làm theo ý nguyện của Chúa Cha. Như thế, Thánh giá với Chúa Giêsu chịu đóng đinh đã trở thành dấu chứng của tình yêu tự hiến, một tình yêu tự nguyện hiến mình cho vinh quang Chúa Cha và mưu ích cho phần rỗi thế gian.
2. THÁNH GIÁ: DẤU CHỨNG TÌNH YÊU TẬN HIẾN
Với Chúa Giêsu, Thánh giá là dấu chứng của tình yêu tự hiến; nhưng với Thiên Chúa, Thánh giá còn là dấu chứng của một tình yêu bao la và bao dung sẵn sàng hiến ban tất cả những gì cao quý nhất và cao giá nhất cho hạnh phúc của mọi tâm hồn. Xin gọi đó là một tình yêu tận hiến, cho dẫu ngôn ngữ thường ngày chỉ quen dùng “con người tận hiến cho Thiên Chúa” chứ không quen nói “Thiên Chúa tận hiến cho con người”.
Nếu tình yêu hệ tại thái độ cho đi, thì thái độ cho đi càng mạnh tình yêu sẽ càng lớn. Vẫn biết “cách cho quý hơn của cho” theo kinh nghiệm nhân gian, nhưng nơi Thiên Chúa cả “của cho” lẫn “cách cho” của Ngài đều quý trọng tột bậc. Ngài không cho con người món quà bên ngoài có thể mua sắm được hay chí ít cũng có thể tìm được ở nơi khác, nhưng rút ruột mình mà đem cho nhân loại một thành viên trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Phúc Âm hôm nay đã diễn tả minh nhiên: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình” (Ga 3,16). Đó là dấu chứng của tình yêu tột cùng. Nhưng phải nhìn “cách cho” của Thiên Chúa mới thấy thắm đẹp làm sao một tình yêu thực sự khác thường.
Thực ra trong mầu nhiệm Đức Giêsu xuống thế làm người, ta đã thấy sáng lên dung mạo tình yêu của Thiên Chúa, song trong chính Mầu nhiệm Thánh igá với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, ta mới nhận ra độ sâu rộng dài của một tình yêu đã cho đi là cho đi đến hết, và ở đây là cho đi đến độ đẩy người Con Một của mình đến chết trên Thánh giá, để trở nên mẫu mực cho tình yêu cao ngất và cũng là cao nhất trên đời. Từ đó ta nhận ra không có danh xưng nào áp dụng tương thích với tấm lòng của Thiên Chúa bằng danh xưng Tình Yêu, một tình yêu hiến ban tất cả cho nhân trần.
3. THÁNH GIÁ: DẤU CHỨNG TÌNH YÊU THÁNH HIẾN
“Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên với Ta”. Sinh thời Chúa Giêsu đã khẳng định như vậy về giờ của Người: giờ Tử Nạn và Phục Sinh, để khi giờ ấy đến, thân xác bị treo trên Thập giá, Người đi đến cùng trong vận mệnh cứu độ và thánh hiến tất cả những ai tìm đến trông cậy Người như nguồn ơn giải thoát. Đọc lại bài Passio, người ta thấy ngày khi Chúa Giêsu bị treo lên, Thánh giá đã bắt đầu phát huy sức mạnh cứu rỗi. Dân chúng được thanh tẩy tội lụy vì được bao bọc bởi tình yêu bao dung tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Ông trộm lành được vào Thiên Đàng vì được đặt vào tình yêu thánh hóa gieo hy vọng. “Hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với Ta”. Những người chứng kiến cuộc Thương Khó trở về đấm ngực ăn năn và người đội trưởng phải thốt lên: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” vì họ được soi sáng trong tình yêu kiếm tìm sự thật. Tất cả đã gặp nơi Thánh giá Chúa Giêsu một sức mạnh thánh hiến.
Đường Thánh giá ấy không êm ả sốt sắng như mười bốn chặng được bố trí trong nguyện đường, đường Thánh giá ấy không vắn gọn dễ thuộc như lời kinh truyền thống, đường Thánh giá ấy cũng không phân cách rạch ròi từng nơi từng chặng để biết lúc nào khởi đầu và khi nào kết thúc. Nếu đường ấy là dấu chứng Thiên Chúa yêu thương con người, thì cũng bằng đường ấy con người chứng minh tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa. Mến Thánh giá nghĩa là như thế.
Nhà thơ Raxun Gamazatop có mấy vần thơ về đường tình yêu thật gợi ý. Xin mượn để kết thúc những chia sẻ về Thánh giá như dấu chứng tình yêu tự hiến, tận hiến và thánh hiến; đồng thời cũng chung tâm tình cầu nguyện cho chúng ta được vững bước thẳng tiến trên đường lựa chọn dẫu đó là đường khó khăn và dài lâu:
Trên trái đất đường đi không kể xiết,
Đường dài lâu gian khổ cũng rất nhiều,
Nhưng anh hiểu khó và dài hơn hết,
Là con đường ta vẫn gọi: Tình Yêu.
Đường dài lâu gian khổ cũng rất nhiều,
Nhưng anh hiểu khó và dài hơn hết,
Là con đường ta vẫn gọi: Tình Yêu.