Photobucket

Ngày 28-10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông Đồ "GỌI & CHỌN"


Ngày 28. 10 Thánh Simon và Thánh Giuđa, tông đồ
Lời Chúa: Lc 6, 12-19
Trong những ngày ấy, Ðức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ðến sáng, Người gọi các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Ðồ. Ðó là ông Simon mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simon biệt danh là Quá Khích, Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
Ðức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđon đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Suy niệm:
Theo Tin Mừng Luca, Đức Giêsu thường cầu nguyện vào những thời điểm quan trọng. Ngài cầu nguyện khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả (3, 21). Ngài cầu nguyện một mình trước khi loan báo cuộc khổ nạn (9, 18). Khi đang cầu nguyện trên núi, Ngài được hiển dung (9, 29). Khi đứng trước cái chết gần kề, Ngài cầu nguyện trong xao xuyến (22, 41). Lúc bị treo trên thập giá, Ngài cũng cầu nguyện cho kẻ giết mình (23, 34). Đức Giêsu suốt đời là con người cầu nguyện. Cầu nguyện đối với Ngài đơn giản là một cuộc gặp gỡ Cha. Ngài thích gặp Cha vì Ngài là người con thảo hiếu. Ngài cần gặp Cha vì Ngài là người được Cha sai, để làm việc Cha giao.
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một lần cầu nguyện đặc biệt của Ngài. Đức Giêsu vẫn thích cầu nguyện trên núi. Núi cao làm Ngài thấy nhẹ nhàng và gần Cha trên trời hơn. Tối hôm nay, Ngài muốn dành nhiều giờ để gặp Cha trước khi đi đến một quyết định quan trọng, quyết định chọn những môn đệ thân tín nhất mà Ngài gọi là tông đồ, để đi sát với Ngài hơn và cộng tác với Ngài trong sứ vụ. Đức Giêsu không chọn theo ý mình. Ngài muốn gặp Thiên Chúa là Cha của Ngài để hỏi ý (c. 12). Tìm ý Cha, ngay cả đối với Đức Giêsu, cũng không phải là quá dễ dàng. Ngài đã thức suốt một đêm để cầu nguyện, để tìm xem Cha muốn Ngài chọn ai trong số những môn đệ ở đây. “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con… Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con…” (Ga 17, 6). Đức Giêsu coi các tông đồ là một quà tặng của Cha. Bởi đó, thật ra Ngài chỉ chọn những người Cha đã chọn, Ngài chỉ muốn những người Ngài biết Cha muốn (Mc 3, 13).
Khi làm người ở đời, chúng ta cũng phải chọn như Đức Giêsu. Cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa. Những chọn lựa nhỏ và lớn làm nên cuộc đời. Chúng ta có thể chọn dựa trên ý thích hay phán đoán riêng của mình. Nhưng chúng ta cũng có thể chọn dựa trên ý Đấng Tạo Hóa. Điều này đòi chúng ta phải ra khỏi mình, không coi mình là trung tâm. Thánh Inhaxiô mời người làm linh thao “không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu, và tương tự như thế đối với mọi sự khác.” Khi có thái độ siêu thoát như trên, ta mới có thể chọn điều Chúa muốn.
Sau một đêm cầu nguyện, đến sáng Đức Giêsu mới quyết định. Ngài gọi và chọn nhóm Mười Hai tông đồ theo ý Cha. Chúng ta cũng được gọi và chọn, dù là giáo dân hay tu sĩ. Chúng ta cũng rất khác nhau như mười hai khuôn mặt các vị tông đồ. Chỉ mong chúng ta đừng dùng tự do mình để trở nên kẻ phản bội.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa. Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu. Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài. Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó. Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Thánh Simon
Tân ước ngoài việc đặt thánh Simon vào danh sách nhóm 12, đã không cung ứng một chỉ dẫn trực tiếp nào liên quan đến vị tông đồ này. Ngài được phân biệt với Simon Phêrô bằng danh hiệu “nhiệt thành” (Lc 6,15; Cv 1,13), một danh hiệu không có ý nói rằng: Ngài là phần tử thuộc nhóm quá khích Do Thái mang tên này, nhưng chỉ cho biết nhiệt tâm của Ngài đối với lề luật. Theo tiếng Aram, nhiệt thành là “Cana”. Điều này giải thích tại sao các thánh sử nhất lãm gọi Ngài là người xứ Cana (Mt 10,4; Mc 3,18). Có người cho rằng sinh quán của người là Galilêa. Một truyền thống còn nói thánh Simon là chàng rể phụ trong tiệc cưới tại Cana (Ga 2,1-12). Sách các thánh tử đạo kể rằng Simon sau khi chứng kiến phép lạ của Chúa Kitô, đã “bỏ rượu”, bỏ lễ cưới để theo Chúa Kitô và được liệt vào số các tông đồ. Thực sự, chẳng có chứng cớ lịch sử nào nói tới việc này.
Cũng như thánh Giacôbê Hậu, có lẽ thánh Simon là một trong các “anh em của Chúa” (Mc 6,3). Nhưng người ta không thể đồng hóa thánh tông đồ với thánh Simon mà theo truyền thống là Đấng kế vị anh mình làm Giám mục Giêrusalem.
Chúng ta không thu lượm được chi nhiều về hoạt động và cái chết của vị tông đồ. Có những tường thuật cho rằng: Ngài đi truyền giáo ở Phi Châu và các đảo Britania.
Những tường thuật này không có nền tảng. Một truyền thống khác cho rằng Ngài đi truyền giáo ở Ai Cập và cuối cùng ở Ba Tư. Truyền thống này đáng tin hơn. Nhiều nguồn tài liệu đồng ý cho rằng Ngài chịu tử đạo ở Ba Tư. Một số ít hơn nói rằng Ngài cùng chịu tử đạo với thánh Giuđa. Dầu vậy, vì không có tài liệu nào đủ tính cách cổ kính nên khó nói rõ về nơi chốn và hoàn cảnh thánh nhân qua đời.

Thánh Giuđa
Vị tông đồ này mang nhiều tên khác nhau như Tađêô (Mt 10,3; Mc 3,18) hay Giuđa (Lc 6,16; Cv 1,13).
Chính Ngài là vị tông đồ trong cuộc đàm luận sau bữa tiệc ly đã hỏi Chúa Giêsu:
   - Thưa Thầy, tại sao Thầy tỏ mình ra cho chúng con mà không cho thế gian?
Chúng ta có thể đồng hóa Ngài với tác giả bức thư, trong đó có trình bày Ngài là : “Giuđa, nô lệ của Đức Giêsu Kitô, anh em với Giacôbê” (Gl 1) không? Thực sự tiếng Hy Lạp phải đọc câu văn này như ở Lc 6,16 là: “Giuđa, con của Giacôbê”. Hơn nữa câu 17 của bức thư, tác giả như tách mình ra khỏi số 12. Dĩ nhiên, điều này không làm giảm giá sự chính lục của bức thư. Có thể nói, tác giả “anh em với Chúa” (Mc 6,3) không phải là tông đồ nhưng có thể giá trong Giáo Hội sơ khai như Giacôbê (Cv 15,13).
Thánh Giuđa tông đồ, theo truyền thống, đã đi rao giảng Tin Mừng ở Mesopotamin và chịu tử đạo ở đó. Một thời Ngài được tôn kính như đấng bảo trợ cho các trường hợp “vô vọng”. Lòng sùng kính này bị quên lãng, có lẽ vì Ngài trùng tên với Giuđa phản bội.


0 nhận xét

Leave a Reply

Cảm ơn bạn đã đọc và cho ý kiến về bài viết.
>>> Để nhận xét:
1. Ở phần "Nhận xét với tư cách" bạn chọn phần "Tên/URL".
2. Bạn nhập tên của mình vào và ở mục URL bạn nhập tên và ".com" (Ví dụ: Tên: Vidu, URL:vidu.com) Và click "Tiếp Tục"
3. Và sau đó bạn chỉ cần nhận xét bài viết của mình và click "Đăng nhận xét"...

>>>Hân hạnh được đón tiếp bạn tại trang web "Con Yêu Mến Chúa!" . Hy vọng đây sẽ là nơi bổ ích và thú vị cho bạn. Rất mong nhận được sự đóng góp của bạn để cùng nhau xây dựng "Con Yêu Mến Chúa!" ngày 1 lớn mạnh.

Thân ái,
Cảm ơn bạn!