Chúa nhật 2 Mùa Vọng, năm A
Is 11,1-10 ; Rm. 15,4-9; Mt 3,1-12
MỘT LỐI SỐNG, MỘT LỐI NGHĨ CỦA TIN MỪNG
Trong tác phẩm “Người phu quét lá”, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã ví von đời Linh mục như “Người phu quét lá”:
“Người phu quét lá bên đường
Quét cả nắng chiều, quét cả mùa thu”. (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).
“Người phu quét lá bên đường
Quét cả nắng chiều, quét cả mùa thu”. (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).
Thật là thơ mộng một hình tượng nghệ thuật. Người phu quét lá nhọc nhằn mưa nắng nhưng vẻ đẹp lại tỏa lan khi “quét cả nắng chiều, quét cả mùa thu”. Trong thực tế lại chẳng thơ mộng chút nào. Người phu quét lá hàng ngày dù mưa dầm hay nắng hạn vẫn luôn có mặt từ sáng sớm tinh sương trên mọi nẻo đường thành phố để dọn đường sạch sẽ cho ngàn ngàn con người sắp đi qua. Linh mục mỗi ngày cũng dọn đường tâm hồn cho con người đi đến với Thiên Chúa và để Thiên Chúa đến với con người. Trong ý nghĩa đó xin được ví von: Gioan Tiền Hô là “Người phu quét lá” dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến với nhân loại.
Chúa nhật II Mùa vọng, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt của Gioan Tẩy Giả, vị Ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước. Sau 5 thế kỷ vắng bóng Ngôn sứ, nay Gioan xuất hiện với sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Cuộc đời của Gioan là một thiên anh hùng ca: bất khuất trước cường quyền và bao dung với tội nhân.
Gioan có một cuộc sinh ra kỳ lạ, một lối sống khác thường. Gioan chọn con đường tu khổ chế: ăn châu chấu với mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú, sống nơi hoang địa vắng người trơ trụi. Nhưng chính nơi đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thâm trầm với Thiên Chúa.
Càng lúc Gioan càng ý thức về sứ mạng của mình, nhưng ông đã kiên nhẫn đợi chờ nhiều năm tháng cho đến ngày ông nghe thấy Thiên Chúa ngỏ lời với ông. Lời của Chúa đưa ông ra khỏi hoang địa để đến gặp gỡ con người qua mọi vùng ven sông Giođan. Lời Chúa ông nghe đã trở thành Lời Chúa ông công bố. Tiếng Chúa gọi ông đã trở thành tiếng ông mời gọi mọi người.
Gioan đã sống trong dòng lịch sử của Đạo và Đời: Thời hoàng đế Tibêriô, hai Thượng tế Khanna và Caipha, một Philatô tham lam tàn bạo là Tổng trấn Giuđêa, một Hêrôđê tiểu vương Galilêa là kẻ giết Gioan sau này. Gioan đã đón nhận toàn bộ dòng lịch sử ấy để làm trọn sứ mạng Tiền Hô, Dọn Đường cho Đấng Cứu Thế.
Gioan đã kêu gọi dân chúng “Hãy sám hối vì Nước trời đã gần đến”. Ông đã mạnh dạn mời gọi mọi hạng người, từ kẻ cao sang quyền thế cho đến người dân thường: hãy sống cách ngay chính theo địa vị của mình để sẵn sàng đón Chúa đến. Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ. Phải sửa lối cho thẳng để Chúa đi. Dân chúng lũ lượt đến với ông, họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. Đúng là Gioan đang “quét dọn” tâm hồn mọi hạng người cho sạch sẽ tội lỗi xứng đáng đón Đấng Cứu Thế.
Để có thể chu toàn sứ vụ, người dọn đường Gioan đã sống gắn bó với Thiên Chúa và gắn bó với con người. Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam 2006 đã khẳng định: “Đời sống đạo vừa cần gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em”. Người dọn đường là trung gian nối kết giữa nhân loại và Đấng Tối Cao. Người dọn đường vừa nắm bàn tay Thiên Chúa vừa nắm lấy bàn tay con người, rồi đặt bàn tay con người vào bàn tay Thiên Chúa cho tình yêu được đơm bông kết trái. Cái thế tay trong tay ấy đòi hỏi người dọn đường phải gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Nếu một ngày nào đó phải rời bỏ một trong hai bàn tay; không nắm chặt lấy bàn tay Thiên Chúa hay không nắm chặt lấy bàn tay con người thì lúc bấy giờ người dọn đường không chu toàn sứ vụ của mình.
Dọn đường để đưa con người đến với Thiên Chúa. Con đường ấy dẫn đưa con người đến với Chúa Giêsu là Đạo. Đạo từ nguyên thuỷ luôn mang ý nghĩa trong sáng, ngay thẳng, công minh. Đạo dẫn đưa con người đến Chân Thiện Mỹ. Đạo là đường nên có thể nói sống đạo là sống ngoài đường, sống với người khác, sống với cuộc đời. Tổ phụ Abraham khởi đầu sứ vụ bằng việc lên đường, từ giã thành Ur để tiến về đất hứa. Lịch sử Do thái là những chuyến xuất hành di cư, lang thang trong sa mạc, lưu đày và mất quê hương trong một thời gian dài. Gioan rao giảng và làm phép rửa khắp mọi nẻo đường. Chúa Giêsu sống ở thế gian bằng những cuộc lên đường, sang Ai cập, về Nazareth, lên sa mạc rồi vào đền thánh và trở lại Galilêa. Cuộc sống công khai của Chúa ít là có ba cuộc hành trình lên Giêrusalem. Và sau cùng, Ngài lên đường về nhà Cha. Vì là đường nên nên Đạo luôn mở ra nối kết và đón nhận cuộc sống, đón nhận mọi người, không phân biệt ai với tinh thần yêu thương của Thiên Chúa. Tin mừng chính là Đạo, là con đường mà Chúa Giêsu đã làm nên cho chúng ta đi theo Ngài.Con đường đó dẫn đưa đến Sự thật và Sự Sống là chính Chúa Giêsu.
Đường quan trọng còn là đường đi vào lòng người. Mỗi người chúng ta không ít thì nhiều đều có những đồi núi kiêu ngạo, những thung lũng ích kỷ hẹp hòi, những cây cầu tự ái khoe khoang, những mấp mô ghồ ghề trong mối quan hệ với người khác như kỳ thị, gian dối, thiếu công bằng, nói hành nói xấu. Cũng có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán lệch lạc, có những lũng sâu tăm tối thiếu vắng ánh sáng tình yêu.
Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp. Đó là sứ điệp mà Thánh Gioan gởi đến cho chúng ta trong Mùa Vọng này, giúp chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở về Chúa Cứu Thế. Điều đó cũng chẳng dễ dàng chút nào vì nó thường gây đau đớn. Không phải trong Mùa Vọng chỉ đi xưng tội qua loa sau khi xét mình 5-10 phút cho yên ổn lương tâm là đủ, mà quan trọng là một lối sống, một lối nghĩ của Tin Mừng: Uốn nắn những quanh co, san phẳng các gò cao lấp đầy những hố thẳm và dẹp bỏ chướng ngại trong tâm hồn từng ngày để có chỗ cho Chúa đến và ở lại.
Gioan Tiền Hô là một Ngôn sứ bất khuất, bao dung và khiêm tốn, chỉ một tâm nguyện là làm “Người phu quét lá” dọn lòng người khác cho Chúa đến. Mỗi người chúng ta cũng theo mẫu gương của Gioan trở thành “Người phu quét lá” cho chính tâm hồn mình, cho gia đình mình và rồi cho người khác nữa. Dọn đường cũng chính là lên đường theo Chúa Cứu Thế, cho nên dọn đường cho Chúa vừa là một hồng ân vừa là trách nhiệm đòi hỏi mỗi người thi hành nghiêm túc trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An