Photobucket

Chúa nhật Lễ Hiển Linh: ĐƯỜNG DẪN TỚI BÊ-LEM

(Bài đọc Lời Chúa: Is 60,1-6 ; Ep 3,2-3a.5-6 ; Mt 2, 1-12)

Tin Mừng của ngày lễ Hiển Linh có thể được coi như một kiểu mẫu cho hành trình đi tìm kiếm Thiên Chúa, hành trình sống đạo và loan báo Tim Mừng của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Hành trình này đòi buộc mỗi người chúng ta mỗi ngày phải chọn lựa để đi đúng hướng, cần học biết phải xây dựng cuộc sống ta trên nền tảng nào, và cuối cùng cần phải có sự hoán cải mỗi ngày. 


1. Không được chọn nhầm “địa chỉ”
Chất vấn đầu tiên mà Tin Mừng ngày lễ hôm nay đặt ra cho mỗi người, đó là chúng ta đang đi về hướng nào? Đâu là địa chỉ mà tôi đang nhắm tới trên hành trình sống đạo của mình? Câu chuyện ba nhà Đạo Sĩ của ngày lễ hôm nay trình bày cho chúng ta ít là hai địa chỉ mà mỗi người chúng ta có thể chọn để đi tới, và hiển nhiên là hai nơi đến này hoàn toàn trái ngược nhau: một bên là cung điện của vua Hê-rô-đê ở Giê-ru-sa-lem tráng lệ, và bên kia là hang đá Bê-lem đơn nghèo.
Giê-ru-sa-lem, thủ phủ của quyền lực, chính trị, tôn giáo, và của văn minh. Hê-rô-đê và chính quyền của ông là đại diện cho quyền lực, cho nền “văn minh” ấy; một nền “văn minh” dựa trên sự dối trá, xảo quyệt: nói một đường và làm một nẻo. Một đàng Hê-rô-đê khuyên người ta đi bái lạy Chúa Hài Nhi, nhưng đàng khác ông lại ngấm ngầm ra tay tiêu diệt Ngài.
Ngược lại, Bê-lem lại là nơi chốn đồng quê vô danh tiểu tốt, nghèo nàn. Không có gì gây chú ý cho phương tiện truyền thông đại chúng cả. Một trẻ sơ sinh với người mẹ trong một mái nhà đơn sơ, đó  là tất cả những gì mà thánh sử Mathêu nói cho chúng ta biết. Tuy nhiên chính điều đó lại khiến cho các nhà đạo sĩ  tìm đến để bái thờ và dâng biếu tặng phẩm của họ cho Chúa Hài Đồng. Dấu chỉ thật mỏng manh, tầm thường. Không phải là dấu chỉ của một vị vua với cách thức người đời, nhưng là một người chăn chiên theo cách thức Thiên Chúa. Và một người chăn chiên muốn quy tụ mọi con cái Thiên Chúa bị tản lạc lại xung quang mình, mọi dân tộc trên mặt đất (bài đọc I).
Trong cuộc đời chúng ta, nhất là trong bối cảnh ngày hôm nay, chúng ta phải luôn đứng trước sự chọn lựa giữa Hê-rô-đê, quyền lực và dối trá, với  một bên là Bê-lem, nơi chốn của sự đơn giản và sự thật. Tin Mừng của ngày lễ hôm nay nhắc bảo chúng ta, trên đường sống đạo, không nên nhầm lẫn địa chỉ  bao giờ và phải biết nhạy cảm với những dấu chỉ hết sức tinh tế, nhỏ bé của Thiên Chúa có chung quanh lộ trình chúng ta. Và rõ ràng, nếu chúng ta đi lầm địa chỉ thì hậu qủa khó lường. Nếu chúng ta đi về phía Hê-rô-đê, chắc chắn hậu qủa của nó sẽ là sự chết chóc, nuôi hận thù, mánh lới. Còn đi đến Bê-lem, chúng ta sẽ tìm thấy được sự bình an và niềm hy vọng.
2. Đâu là “bản đồ” giúp tôi tìm đúng địa chỉ cần đến?
Câu hỏi thứ  hai đặt ra cho chúng ta: đâu là ngôi sao, là ánh sáng mà tôi chọn để giúp tôi đi tìm kiếm Thiên Chúa? Đâu là bản đồ giúp tôi chọn đúng địa chỉ? Tin Mừng thánh Matthêu cho ta biết rằng để có thể tìm gặp được Chúa Giêsu Hài Đồng, các nhà đạo sĩ đã thực hiện hành trình của họ qua ba bước, qua ba tấm bản đồ chỉ lối.
Tấm bản đồ thứ nhất: Đối với ba nhà đạo sĩ, bầu trời là một tấm bản đồ, một cuốn sách vĩ đại nói cho con người về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đối với ba nhà đạo sĩ, dấu chỉ của vũ trụ, một ánh sao sáng, cho biết sự hiện diện của Thiên Chúa, của Vua muôn loài (Mt 2,1-2). Họ đã tìm hiểu về bầu trời và thấy một vì sao, một ánh sáng, một dấu chỉ, một lời mời gọi. Ánh sáng, dấu chỉ đó không hoàn toàn rõ ràng, nhưng họ vẫn đi theo, dõi theo. Thánh vịnh nói rằng “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa”. Thế nhưng, có bao nhiêu người trong chúng ta có được một cảm nhận về sự hiện hữu của Thiên Chúa khởi đi từ các kỳ quan thiên nhiên? Cuốn sách vĩ đại của vũ trụ, thiên nhiên không chỉ nói cho chúng ta biết về Thiên Chúa, nhưng hơn nữa còn cho ta biết về tình yêu của Ngài nữa: “Khi ngắm nhìn trời, công trình của tay Chúa, mặt trăng và các vì sao mà Chúa đã tạo dựng, con người có là chi để Chúa nhớ đến, phàm nhân có là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,4-5). Ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên giúp chúng ta nhìn nhận tình yêu của Đấng Tạo Hóa, Tình Yêu đã “chuyển động mặt trời và các vì sao khác”. Mỗi ngày, Thiên Chúa vẫn ngỏ lời với những ai chưa biết Ngài bằng muôn vàn cách thức khác nhau.
Tấm bản đồ thứ hai: các nhà đạo sĩ đã biết mở quyển sách Kinh Thánh, đã nhờ đến Kinh Thánh. Khi đến Giê-ru-sa-lem, gặp bất cứ người nào, ba nhà đạo sĩ đều hỏi “Vua dân Do thái vừa sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, và chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2, 2). Bởi vì quyển sách thiên nhiên có thể là một dấu không rõ ràng, vì thế cần phải được kiểm nghiệm nhờ tấm bản đồ thứ hai, đó là mặc khải của Thiên Chúa trong lịch, tức là Kinh Thánh. Lý trí có thể giúp con người tìm hiểu về Thiên Chúa, nhưng nếu không có mặc khải, nếu Thiên Chúa không tự tỏ mình ra cho con người, thì con người không thể nào biết về Ngài (bài đọc II). Muốn đến với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải biết siêng năng học hỏi Lời Chúa, học hỏi Giáo lý. Không biết Kinh Thánh, không biết Đức Giêsu; không biết Đức Giêsu, thì không biết Thiên Chúa.
Tới đây chúng ta cần nhấn mạnh thêm về việc biết và tin nhận Thiên Chúa. Vì có nhiều người ngày hôm nay cho rằng tin có Thiên Chúa hay không, đâu có can hệ gì đến cuộc sống xã hội. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng sở dĩ Hê-rô-đê và bộ máy thống trị của ông đã ra lệnh tàn sát các hài nhi vô tội, bởi vì nguyên nhân sâu xa nhất, đó là ông không tin nhận Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Khi mà con người chối bỏ Thiên Chúa, thì cùng một trật họ chối bỏ luôn nhân phẩm con người, chối bỏ mọi giá trị đạo đức. Bởi vậy, các xã hội vô thần không chỉ sai lầm về chân lý Thiên Chúa, mà còn sai lầm về nhân phẩm con người, sai lầm về con người.
Sở dĩ chúng ta nhấn mạnh như thế, vì chúng ta thấy rằng, việc học hỏi Lời Chúa, học giáo lý, việc cử hành Phụng vụ không chỉ giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa cách đúng đắn, mà còn giup chúng ta nhận hiểu về huyền nhiệm con người. Và chỉ khi nào phẩm giá con người được nhìn nhận đúng, thì lúc đó mới nói đến việc xây dựng xã hội công bằng và yêu thương được. Nếu không chỉ là biểu ngữ, khuôn sáo.
Chuyện kể rằng có một cụ già trong làng quê đã đặt câu hỏi cho các thanh niên: “Làm thế nào biết được trời còn tối hay đã sáng?”. Một người trả lời :
- Khi ở tận chân trời có một con trâu với con bò mà phân biệt được đâu là trâu, đâu là bò thì trời đã sáng; nếu không phân biệt được thì trời còn tối.
- Chưa đúng hẳn!
Một người khác:
- Khi ở mãi chân trời có cây dừa với cây chuối mà phân biệt được thì trời đã sáng; nếy không phân biệt được thì trời còn tối.
- Chưa đúng hẳn!
- Vậy cụ dạy thế nào?
- Khi có một người đến với chúng ta, bất kể tuổi tác, màu da, tiếng nói, tôn giáo, học vấn, tính tình, quá khứ… mà chúng ta nhận ra đó là một người anh em, thì trờ đã sáng; nếu không thì trời vẫn còn tối.
3. Hiếu biết phải đi đôi với hành động
Hành trình sống đạo của người Kitô hữu không chỉ dừng lại trên bình diện biết, mà phải đi đến hành động. Vì một cái biết mà không đưa tới hành động, không phải là một cái biết thực sự. Đây là điều làm nên sự khác biệt giữa một bên là ba nhà đạo sĩ và  bên kia là Hê-rô-đê và dân thành Giê-ru-sa-lem. Tin Mừng ghi lại rằng: “Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao” (Mt 2,3). Và ngay lập tức Hê-rô-đê cho người đi điều tra về nơi sinh và ngày sinh của vị Vua mới, nhưng không phải lên đường để đến bái yết Ngài, mà  là để âm mưu loại trừ Ngài. Các thượng tế và kinh sư, cả họ nữa cũng rất thông thạo Kinh Thánh và biết rõ nơi sinh của Vua Cứu Thế, nhưng họ chẳng buồn cất bước tới Bê-lem. Ngày hôm nay, lối sống đạo theo kiểu Hê-rô-đê và các Thượng tế ở Giê-ru-sa-lem không phải không có. Có nhiều người tự xưng mình là Công giáo, nhưng không bao giờ đến nhà thờ, không bao giờ sống yêu thương…
4. Khởi đi từ sự hoán cải mỗi ngày
Lời Chúa hôm còn cho chúng ta thấy một yêu tố căn bản khác nữa của việc hành đạo, sống đạo, đó là sự biến đổi, hoán cải. Thánh Mathêu nói cho chúng ta biết rằng, khi các nhà đạo sĩ đã gặp được Chúa, được Chúa biến đổi, họ đã không còn đi lại con đường mà họ đã đi, nhưng đã đi đường khác mà trở về (Mt 2,12). Sống đạo không gì khác, đó chính là một hành trình biến đổi nên tốt, là hoán cải mỗi ngày. 
Việc học hỏi Lời Chúa, học giáo lý, việc đi tham dự thánh lễ, giúp chúng ta không chỉ biết về Chúa hơn, nhưng còn giúp ta loại bỏ dần đi những cái nhìn trần tục, ích kỷ, để có được một cách suy nghĩ, hành xử theo tinh thần Tin Mừng. Sống đạo, chính là mỗi ngày biết hoán cải, biết can đảm bỏ con đường cũ, con đường của ích kỷ, của sự thiếu chân thực,  để đi con đường mới, con đường của yêu thương, bác ái, vị tha, con đường của sự thật, bao dung…, tức là làm cho cái tâm của chúng ta nên giống cái tâm của Chúa Giêsu, để chúng ta có thể nhìn thấy tất cả mọi người  chúng ta gặp gỡ trên đường đời đều là hình ảnh của Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa và vì vậy đều là anh chị em của ta.
Chuyện kể rằng, có một vị vua nước Nhật, sau một thời gian làm việc căng thẳng, nên bảo các quần thần tìm cho mình một người biết nói trạng, để giải khuây. Họ mời một vị thiền sư đến cho nhà vua. Khi gặp vị thiền sư, nhà vua nói rằng ta muốn ngươi nói đùa với ta. Vị thiền sư thưa : tâu đức vua, xin đức vua nói trước. Vị vua liền nói rằng : tôi thấy ông như một con lợn (con heo). Vị thiền sư đáp : thưa đức vua, tôi thấy đức vua giống như một Đức Phật. Bây giờ, ông vua đó mới nói rằng, tại sao ta nói người như con lợn, mà ngươi lại cho ta như Đức Phật. Vị thiền sư ấy trả lời: thưa đức vua, người có tâm lợn, thì nhìn ai cũng là lợn; còn người có tâm phật, thì nhìn thấy ai cũng là Phật.
Cầu chúc cho mọi người luôn tạo cho con tim mình có được chất Tin Mừng, chất Đức Kitô, để chúng ta nhận thấy ai cũng là hình ảnh Thiên Chúa, là hiện thân của Đức Giêsu. Và để khi chúng ta gặp lại Chúa, chúng ta sẽ được nghe Chúa nói  với mình rằng: “xưa Ta đói, anh em đã cho Ta ăn, xưa Ta khát, anh em đã cho Ta uống…”. Và ước mong mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy là một ánh sao đồng hành với nhân loại trên mọi nẻo đường. Ánh sao của sự chân thành, của phục vụ và yêu thương.

Lm. JB. Nguyễn Khắc Bá

0 nhận xét

Leave a Reply

Cảm ơn bạn đã đọc và cho ý kiến về bài viết.
>>> Để nhận xét:
1. Ở phần "Nhận xét với tư cách" bạn chọn phần "Tên/URL".
2. Bạn nhập tên của mình vào và ở mục URL bạn nhập tên và ".com" (Ví dụ: Tên: Vidu, URL:vidu.com) Và click "Tiếp Tục"
3. Và sau đó bạn chỉ cần nhận xét bài viết của mình và click "Đăng nhận xét"...

>>>Hân hạnh được đón tiếp bạn tại trang web "Con Yêu Mến Chúa!" . Hy vọng đây sẽ là nơi bổ ích và thú vị cho bạn. Rất mong nhận được sự đóng góp của bạn để cùng nhau xây dựng "Con Yêu Mến Chúa!" ngày 1 lớn mạnh.

Thân ái,
Cảm ơn bạn!