Ðời sống người tín hữu cũng bắt đầu bằng Bí tích Rửa tội. Bí tích Rửa tội là việc kết thúc và là việc khởi đầu. Ðó là việc kết thúc đời sống trong bóng tối tội lỗi và khởi đầu đời sống mới trong ơn nghĩa với Chúa. Trong Bí tích Rửa tội, người tín hữu chết đi cho tội lỗi để được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa qua một tiến trình chết đi sống lại.
PHÉP RỬA ÐÁNH DẤU
SỨ MỆNH NGƯỜI TÔI TỚ ÐAU KHỔ
Lễ Chúa Chịu Phép Rửa, Năm A
Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17
Xuất hiện trong hoang địa miền Giuđê, ông Gioan tẩy giả rao giảng phép rửa thống hối, sửa soạn cho dân chúng đón nhận Ðấng cứu thế đến. Phép rửa của Gioan chỉ là phép rửa bằng nước, nên không có công hiệu tha tội. Ðể phê chuẩn công việc và sứ vụ của Gioan, Ðức Giêsu cũng đến xin chịu phép rửa. Bằng việc xin chịu phép rửa, Ðức Giêsu muốn chỉ cho ta thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của Bí tích Rửa tội mà Chúa sẽ thiết lập sau này. Rồi Chúa phán bảo: Không ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần (Ga 3,5). Việc Chúa chịu phép rửa đánh dấu đời sống công khai của Chúa như là người tôi tớ, người rao giảng và người chữa lành. Ðó là lý do tại sao khi bước ra khỏi nước, thì có tiếng từ trời phán rằng: Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người (Mt 3,17).
Tiếng phán từ trời trên đây trong Phúc Âm thánh Mát-thêu hầu như đồng nhất hay giống với lời ngôn sứ Isaia được chọn cho lễ Chúa chịu phép Rửa: Ðây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quí mến hết lòng (Is 42,1). Vậy ai là người tôi tớ của Giavê mà ngôn sứ Isaia nói đến? Sau nhiều nghiên cứu và tranh luận, đa số giới học giả Do thái giáo cho rằng chính nhà Ítraen là tôi tớ của Giavê. Trong bản Hy Lạp của Phúc Âm thánh Mát-thêu, từ ngữ pais có nghĩa là con hoặc tôi tớ. Ðiểm này giúp học giả Thánh Kinh nhận định người tôi tớ trong sách ngôn sứ Isaia chính là Con Thiên Chúa trong Phúc Âm Mát-thêu. Do đó mà người tôi trung của Ðức Giavê cũng được hiểu là Ðức Kitô trong sách Tông đồ Công vụ (Cv 3,13; 3,26; 4,27; 4,30).
Bằng việc xin được chịu phép rửa bởi Gioan, Ðức Giêsu coi sứ vụ của người tôi trung là của chính Người. Phụng vụ Chúa nhật Thương khó cho thấy hình ảnh của Ðức Kitô nơi người tôi trung đau khổ của Giavê trong sách ngôn sứ Isaia khi người tôi trung thốt lên: Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ... vì thế tôi đã không hổ thẹn (Is 50,6c,7b). Phụng vụ Thứ hai Tuần thánh, Thiên Chúa nói về người Con tôi trung của Người như sau: Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường (Is 42,2). Trong phụng vụ Thứ ba Tuần thánh, Thiên Chúa nói về người Con tôi trung: Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất (Is 49,6). Phụng vụ Thứ tư Tuần thánh cho thấy người Con là tôi trung nói về mình: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu (Is 50,6). Phụng vụ Thứ sáu Tuần thánh mô tả về người Con tôi trung như sau: Người đã bị đâm thâu vì chúng ta phạm tội (Is 53,5).
Như người tôi trung làm theo ý chủ, Ðức Giêsu như là người tôi trung cũng đến để làm theo ý Chúa Cha. Người đã tự cam kết vào công việc cứu rỗi bằng việc giảng dạy và chữa lành tội lỗi nhân loại. Người còn tự ý chấp nhận đau khổ và tử nạn trên thập giá để xoá tội trần gian.
Ðời sống người tín hữu cũng bắt đầu bằng Bí tích Rửa tội. Bí tích Rửa tội là việc kết thúc và là việc khởi đầu. Ðó là việc kết thúc đời sống trong bóng tối tội lỗi và khởi đầu đời sống mới trong ơn nghĩa với Chúa. Trong Bí tích Rửa tội, người tín hữu chết đi cho tội lỗi để được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa qua một tiến trình chết đi sống lại.
Qua Bí tích Rửa tội, người tín hữu được gọi làm đầy tớ đau khổ để cộng tác vào công việc cứu rỗi của Ðức Giêsu. Nếu người Do thái nhận ra họ trong hình ảnh của nguòi tôi tớ đau khổ của Giavê Thiên Chúa trong sách Isaia, thì người tín hữu lại không chịu nhận ra mình trong hình ảnh người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa là Ðức Giêsu sao? Và nếu người tín hữu phải chịu đau khổ, hãy nhớ lời Ðức Giêsu: Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước (Ga 15,18). Ðó chính là điều Chúa Giêsu phán bảo: Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24). Ở nơi khác thánh Phaolô nói: Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thánh tẩy, để thuộc về Ðức Giêsu Kitô, là chúng ta được dìm vào cái chết của Người sao? (Rm 6,3)
Người tín hữu chịu đau khổ với Ðức Giêsu không có nghĩa là phải chịu khổ như một đường cùng, không lối thoát. Người tín hữu chịu đau khổ, vác thánh giá với Ðức Giêsu vì yêu mến Chúa để được tham dự vào những đau khổ và thánh giá của Chúa hầu được tới vinh quang với Ðức Kitô. Chịu đau khổ đây là chịu những đau khổ về thể xác hay tinh thần do bệnh tật, do hoàn cảnh hoặc do tha nhân gây ra cho mình chứ người tín hữu không đi tìm đau khổ hoặc chuốc lấy đau khổ về cho mình. Do đó khi gặp đau khổ về thể xác hay tinh thần, người tín hữu cần tìm cách chữa trị. Tuy nhiên bao lâu ngưòi tín hữu còn mang trong mình những đau khổ về bệnh tật thể xác hoặc tinh thần, người tín hữu cần cầu xin cho được tìm ra ý nghĩa của đau khổ, thánh giá và xin cho được ơn nhẫn nạn để chịu đựng đau khổ và vác thánh giá vì yêu mến Chúa để đền tội mình. Chịu đau khổ và vác thánh giá như vậy, thánh giá và đau khổ mới trở nên phương tiện cứu rỗi.
Lời nguyện xin cho được sống theo đường lối Chúa:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến đồng hoá với người tôi tớ đau khổ
trong sách ngôn sứ Isaia.
Xin cho con nhận thức được rằng
đường Chúa đi là đường đau khổ thánh giá
trước khi đi vào phục sinh vinh hiển.
Cũng xin cho con được nhận thức rằng
là môn đệ Chúa, con cũng phải vác thánh giá theo Chúa
như lời Chúa dạy. Amen.
Chúa đã đến đồng hoá với người tôi tớ đau khổ
trong sách ngôn sứ Isaia.
Xin cho con nhận thức được rằng
đường Chúa đi là đường đau khổ thánh giá
trước khi đi vào phục sinh vinh hiển.
Cũng xin cho con được nhận thức rằng
là môn đệ Chúa, con cũng phải vác thánh giá theo Chúa
như lời Chúa dạy. Amen.
Lm Trần Bình Trọng