Theo lẽ thường, Thánh Lễ thường được cử hành tại Nhà Thờ, tại Nguyện Đường. Có những trường hợp đặc biệt vì hoàn cảnh nào đó thì Thánh Lễ được cử hành tại tư gia. Chiều hôm nay, một Thánh Lễ hết sức đặc biệt được cử hành ở một nơi hết sức đặc biệt đó là tại một ngôi chùa. Chuyện đặc biệt này xảy đến vì lẽ người quá cố là người trụ trì ngôi chùa thân yêu mang tên Quan Âm (Bình Hưng - Bình Chánh) này.
Chuyện là những ngày cuối năm 2010, ở căn phòng của bệnh viện Phạm Ngọc Thạch vang lên những lời kinh, tiếng hát để cầu nguyện cho bệnh nhân. Cạnh lời kinh tiếng hát ấy có cả việc cử hành bí tích giải tội và cả rửa tội nữa.
Một ngày kia, một người nằm trong căn phòng nhỏ ấy bỗng dưng ngồi dậy và xin những người làm việc tông đồ theo đạo! Hết sức ngạc nhiên vì lẽ bệnh nhân rõ ràng là một sư cô nhưng lại ngỏ ý theo đạo. Một người bình thường bảo theo đạo đã là khó huống hồ chi là một nhà sư. Ngày 13 tháng 12 năm 2010 sư cô Lương Thị Phụng đã trở thành con cái Chúa với tên mới Maria Lương Thị Phụng.
Sau những ngày chạy chữa, sư cô trở về ngôi chùa thân thương của mình. Tình người, tình Chúa cũng đi theo sư cô về ngôi chùa ấy. Thỉnh thoảng những người giúp cho sư cô biết Chúa, biết Đạo cũng đến để thăm hỏi, để cầu kinh.
Sau một thời gian biết Chúa, ngày 7 tháng 2 năm 2011, Maria cô Lương Thị Phụng đã được Chúa gọi về. Thể theo lời thỉnh nguyện của người quá cố, gia đình đồng ý cho linh mục đến Chùa Quan Âm (nơi sư cô trụ trì) để dâng lễ cầu nguyện cho người ra đi.
Hiện diện trong ngôi Chùa và Thánh Lễ an táng cho Maria Lương Thị Phụng hôm nay hết sức dễ thương: chủ tế là một linh mục dòng Chúa Cứu Thế, bài ca, bài đọc được các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán và các xơ thuộc nữ tử bác ái Vinh Sơn, một số giáo dân và cả gia đình tang quyến. Đặc biệt là trong Thánh Lễ này có cả sự hiện diện của quý tu sĩ của Chùa và những phật tử thân quen với người quá cố.
Trước Thánh Lễ, mọi người chào nhau bằng ánh mắt của tình thương, của tình liên đới giữa những người mang danh là Phật tử và giữa những người mang danh Kitô hữu. Vài người hỏi linh mục chủ tế rằng có ngạc nhiên không thì ngài mỉm cười bảo: “Thiên Chúa có đường lối của Ngài”.
Trong bài chia sẻ, linh mục chủ tế mượn hình ảnh của anh chàng Giakêu trèo lên cây sung nhìn gặp Chúa để diễn tả hình ảnh của một Maria Lương Thị Phụng. Maria Phụng nằm trên giường bệnh nhưng một ngày kia đã ngồi lên và xin học đạo. Thế là trên giường bệnh, Maria Phụng đã tuyên xưng niềm tin của mình. Thiên Chúa chọn mỗi người mỗi kiểu và mỗi cách. Cách đây chừng 1 tuần lễ, linh mục cũng dâng lễ An táng cho mẹ của một nữ tu cũng vừa theo Chúa hơn chục năm. Bà cố năm nay thọ 96 tuổi nhưng mới theo Chúa thôi. Đặc biệt là chính bà cố là người thúc đẩy ông cố theo Chúa nữa. Thiên Chúa chọn, Thiên Chúa gọi mỗi người mỗi cách riêng không ai biết. Như hôm nao nhà của Giakêu đón nhận ơn cứu độ thì hôm nay nhà của Maria Lương Thị Phụng cũng đón nhận ơn cứu độ. Không chỉ mình Maria Phụng thôi nhưng hôm nay ngôi nhà thân thương này đã được Chúa đến viếng thăm và ban ơn cứu độ.
Thánh Lễ được cử hành hết sức trang nghiêm và sốt sắng cùng với lời ca tiếng hát thánh thiêng của các xơ và cả sự thành tâm của tang quyến, của Phật tử.
Hết sức dễ thương, người đại diện của tang quyến, con nuôi của trụ trì, nói lời cảm ơn ngắn gọn: “Con xin cảm ơn Cha, cảm ơn các xơ đã đến cầu kinh, nguyện hát cho mẹ của con!”
Hình ảnh của bà Maria Lương Thị Phụng thật dễ thương. Bà được Thiên Chúa chọn, Thiên Chúa gọi trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt: trong bệnh viện, trong tư cách là nữ tu trụ trì.
Thiên Chúa gặp con người trong mọi nẻo đường đời. Có thể là một trẻ sơ sinh hay là một người lớn, và cũng có thể là một vị sư trụ trì của một ngôi chùa nữa. Thiên Chúa luôn có cách của Ngài.
Thế là từ ngày 13 tháng 12 năm 2010, Hội Thánh Công Giáo có thêm một kitô hữu nữa tên là Maria và ngày 7 tháng 2 năm 2011 Nước Trời lại có thêm một công dân mang tên Maria Lương Thị Phụng nữa.
Tạ ơn Chúa vì tất cả những hồng ân, những kỳ công Ngài thêu dệt trong cõi nhân sinh này.