Hơn 2000 năm đã trôi qua, loài người vẫn tiếp tục… chết. Lẽ dĩ nhiên Chúa Giêsu chưa phá hủy sự chết thể lý. Có thể nói đó là một sự kiện rất tự nhiên. Nhưng điều quan trọng là Chúa Giêsu đã lột bỏ mọi hậu quả ghê gớm của nó. Không có Chúa Giêsu thì loài người vẫn nghĩ rằng sự chết sẽ phá hủy tất cả, chẳng những là thân xác chúng ta, mà cả những gì là cao quý đẹp đẽ nữa, nhất là nó phân ly tất cả những người thân của chúng ta.
Sự sống lại của Chúa Giêsu chứng minh cho ta thấy rằng sự chết chỉ là một cuộc vượt qua để tiến vào một thế giới mới, thế giới tình yêu và hạnh phúc của Thiên Chúa.
Sự sống lại của Chúa Giêsu chứng minh cho ta thấy rằng sự chết chỉ là một cuộc vượt qua để tiến vào một thế giới mới, thế giới tình yêu và hạnh phúc của Thiên Chúa.
Chúa Nhật Đại Lễ Phục Sinh
(Cv 10,34a.37-43 ; Cl 3, 1-4 hoặc 1Cr 5,6b-8 ; Ga 20, 1-9)
ALLELUIA! CHÚA ĐÃ CHIẾN THẮNG TỬ THẦN!
I. NỘI DUNG CỦA SỨ ĐIỆP
1. Hoàn cảnh: Cái chết của người thân
Chắc chắn chúng ta đều trải qua nỗi đau đớn khi thấy một người thân của chúng ta phải qua đời và vĩnh viễn từ biệt chúng ta. Đó có thể là một người cha hay một người mẹ, một người chồng, một người vợ hay một người con, hoặc cũng có thể là một người bạn rất thân thiết. Chúng ta dự lễ an táng của họ và tâm hồn của chúng ta cảm thấy như hoàn toàn sụp đổ. Ít ngày sau, vì nỗi đau đớn quá da diết, chúng ta trở lại bên nấm mồ để tưởng nhớ và tìm lại một sự hiện diện.
Đó cũng là trường hợp của Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê và Salômê. Vào ngày thứ nhất trong tuần, “lúc trời vừa tảng sáng, các bà ấy đã chạy đến mồ”. Chúa Giêsu đối với họ là một người bạn rất thân thương, một vị thầy và là Chúa của họ. Các nhà chức trách Do thái và Rôma, vì ganh tị ảnh hưởng của Người, nên đã tìm cách giết Người, đóng đinh Người vào thập giá. Thánh Kinh không nói rõ tâm tình các bà này, nhưng chúng ta cũng dễ dàng đoán được là biến cố ấy đã làm cho các bà đau đớn chừng nào. Ngày hưu lễ vừa trôi qua, các bà vội vàng chạy đến mồ.
2. Những phản ứng trước cái mồ trống:
Một sự kiện lạ lùng đã xảy ra: cái mồ đã trở nên trống rỗng. Xác của Chúa ở đâu rồi?
Ý nghĩ đầu tiên của Maria Mađalêna là người ta đánh cắp mất xác của Người rồi. Các thánh Marcô, Matthêô và Luca kể là lúc ấy có thiên thần hiện ra cắt nghĩa cho các bà biết là Chúa đã sống lại. Nhưng chắng biết là các bà đã tin hay chưa. Sự kiện là các bà vội vàng chạy về báo tin cho các tông đồ. Nghe vậy, Phêrô và Gioan liền chạy tới.
Phản ứng của Phêrô là thinh lặng. Chắc chắn là ông đang phân vân. Ông chưa hiểu sống lại nghĩa là gì! Và nếu có kẻ đã lấy trộm xác của Chúa thì tại sao kẻ gian lại mất công xếp đặt khăn liệm và các dây vải một cách lớp lang và gọn ghẽ như thế?
Còn Gioan thì Phúc Âm kể: “Ông đã thấy và ông đã tin”. Ông đã thấy gì? Ông đã thấy các dấu chỉ lạ lùng đó: Cái mồ trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính Gioan đã chứng kiến việc sống lại của Ladarô: Khi Ladarô được Chúa Giêsu cho sống lại, thì ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn bị các thứ khăn liệm quấn chặt. Còn ở đây các thứ khăn được xếp lại gọn gàng. Và chắc chắn Gioan đã nhớ lại các lời Thánh Kinh mà Chúa Giêsu đã có lần chỉ vẽ cho các ông là Đức Kitô phải chịu đau khổ đã, trước khi bước vào vinh quang. Cho nên, chính nhờ đã ghi nhớ lời Kinh Thánh mà đức tin đã đến với Gioan sớm hơn Phêrô. Ông biết rằng Chúa Giêsu đã sống lại, và sống lại ở đây không có nghĩa là trở về với đời sống cũ như trường hợp của Ladarô, nhưng là bước vào đời sống mới, đời sống vinh quang: Từ nay Chúa Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa, được Thiên Chúa ban đầy quyền năng. Niềm tin ấy cũng dần dần đến với Phêrô và các tông đồ khác.
3. Củng cố niềm tin
Các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu củng cố đức tin các tông đồ. Chính Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần để củng cố niềm tin ấy, vì các tông đồ sẽ là những chứng nhân đặc biệt được Người đặt làm cột trụ của Giáo Hội.
Trong bài đọc I, chúng ta được nghe chứng tá của thánh Phêrô. Đó là những lời lẽ mà sau này Phêrô đã mạnh mẽ tuyên bố trong gia đình của ông Cornêliô, một viên đội trưởng Rôma:
“Chính Ngài, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ngày thứ ba và đã cho hiện tỏ, không phải cho toàn dân, nhưng là cho những nhân chứng Thiên Chúa đã chọn trước, tức là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Ngài, sau khi Ngài đã sống lại từ cõi chết” (Cv 10,40-41).
II. HIỆU QUẢ
Khi một nhà bác học phát hiện ra điều gì, ví dụ: điện, vô tuyến truyền thanh, truyền hình, thì sau đó cả nhân loại đều được nhờ. Khi một thầy thuốc tìm ra được một phương thế chữa bệnh, cả nhân loại cũng sẽ được nhờ. Sự kiện Chúa Giêsu, một thành phần của nhân loại chúng ta đã sống lại, mang lại những hiệu quả rất quan trọng cho tất cả loài người chúng ta.
1. Trước hết Chúa đã đánh bại Satan, lãnh tụ của ma quỷ
Chính Satan đã dụ dỗ hai ông bà nguyên tổ chống lại với Thiên Chúa. Và khi hai ông bà đã sa ngã thì cả loài người sống dưới ách nô lệ của nó. Tác giả của thư Do Thái nói: “Chúa Giêsu ‘đã tiêu diệt kẻ có quyền trên sự chết, tức là ma quỷ, và giải thoát những kẻ vì sợ chết mà suốt cả bình sinh sa vòng nô lệ” (Dt 2,14-15).
2. Sau nữa, Chúa Giêsu đã đánh bại sự chết
Điều này có nghĩa là gì? Hơn 2000 năm đã trôi qua, loài người vẫn tiếp tục… chết. Lẽ dĩ nhiên Chúa Giêsu chưa phá hủy sự chết thể lý. Có thể nói đó là một sự kiện rất tự nhiên. Nhưng điều quan trọng là Chúa Giêsu đã lột bỏ mọi hậu quả ghê gớm của nó. Không có Chúa Giêsu thì loài người vẫn nghĩ rằng sự chết sẽ phá hủy tất cả, chẳng những là thân xác chúng ta, mà cả những gì là cao quý đẹp đẽ nữa, nhất là nó phân ly tất cả những người thân của chúng ta.
Sự sống lại của Chúa Giêsu chứng minh cho ta thấy rằng sự chết chỉ là một cuộc vượt qua để tiến vào một thế giới mới, thế giới tình yêu và hạnh phúc của Thiên Chúa.
3. Tham dự đời sống mới
Cuối cùng, hiệu quả quan trọng hơn hết là ngay bây giờ Chúa Giêsu ban cho những ai tin vào Người được tham dự vào đời sống mới của Người. Vì thế Thánh Phaolô đưa ra một lời khẳng định thật đáng kinh ngạc: “Anh em đã được sống lại với Chúa Kitô” (Bài đọc II). Theo Thánh Tông đồ thì khi chúng ta chịu phép Thánh tẩy, chúng ta được nhận lãnh Thần Khí của Chúa Kitô. Như vậy chúng ta được tiếp đón một luồng ánh sáng mới, một nguồn nghị lực mới, nhờ đó chúng ta có thể bắt đầu một cuộc sống mới.
Cuộc sống mới ấy nằm ở chỗ người tín hữu không còn sống theo các xu hướng tự nhiên, tức là các xu hướng ích kỷ, quy về bản thân mình, nhưng sống theo xu hướng mới quy về Thiên Chúa và tha nhân.
III. TÌM KIẾM NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI
Vì thế thánh Phaolô mời gọi các tín hữu: “Anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời”. Điều đó không có nghĩa là chúng ta hãy bỏ qua các bổn phận trần thế. Trái lại chúng ta phải chu toàn tốt các bổn phận hàng ngày của mình, bổn phận làm cha mẹ, vợ chồng, con cái, v.v.. Điều mà thánh Phaolô muốn nói là chúng ta đừng xem cuộc sống ở trần gian này là cùng đích, đừng gán cho các thực tại ở trần gian – kể cả sự sống thể lý – một tầm quan trọng quá đáng.
Rồi chính tâm hồn chúng ta, như một bông lúa đang chín dần, ngày này qua ngày khác được biến đổi nhờ sức mạnh của các bí tích và nhờ sự cộng tác của chúng ta bằng đức tin, đức cậy và đức mến. Chính Chúa Kitô Phục sinh đang biến đổi chúng ta trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện tập thể. Tới giờ phút mà Thiên Chúa ấn định, mắt chúng ta sẽ được nhìn ngắm và toàn thân chúng ta sẽ được chìm ngập trong ánh vinh quang của Chúa Kitô.
Lm. Norbertô