Trước thực trạng của thế giới hôm nay, nhiều người trong chúng ta tỏ ra bi quan bởi sự xuống cấp trầm trọng trong đời sống luân lý của nhân loại. Dưới cái nhìn của những người không có đức tin, thực tế này là sự báo động đáng thất vọng cho một tương lai không lối thoát của kiếp nhân sinh.
Đối với chúng ta, những Kitô hữu, mối ưu tư của nhân loại giúp ta nghiệm nhận chân lý sâu xa hơn nơi những bất toàn của thân phận con người, để từ đó, ta có thể xác tín và luôn hy vọng vào sự cứu độ của Thiên Chúa nhờ cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Đây là biến cố có ý nghĩa thẳm sâu, nói lên tương quan mật thiết giữa Đấng Cứu Độ với nhân loại đã được xác lập bởi tình yêu Thập Giá. Nó không chỉ giúp phục hồi lại tình trạng ban đầu cho chúng ta mà còn tiếp tục dẫn dắt ta trên hành trình tiếp nhận và làm nở rộ “hồng phúc” mà Thiên Chúa đã trao ban cho ta trong chương trình cứu độ của Người. Con người dẫu đã lạm dụng món quà tự do để đổi lấy những thống khổ tâm linh và cố khước từ ân sủng vô biên, nhưng tình thương của Thiên Chúa còn lớn lao hơn nhiều. Đấng yêu thương tác tạo muôn loài đã dành một chỗ đứng đặc biệt cho con người, đã cúi xuống giữa hữu hạn của kiếp thụ tạo để nâng chúng ta lên giữa vũng bùn của đau thương dập nát do tội lỗi. Giữa đêm đen khủng khiếp của tà tội, ánh sáng bất diệt từ Thập Giá đã bừng lên, mời gọi chúng ta bước ra khỏi ranh giới của sự chết, tiến vào sự sống vĩnh cửu dưới hiệu kỳ chiến thắng của Đức Kitô.
Đêm Phục Sinh, trong ánh sáng thiêng linh huy hoàng, Giáo Hội hoan xướng lời ca mừng khải thắng của Đức Kitô, cũng là niềm vui được giải thoát của nhân loại khỏi ách tội nguyên: “Ôi! Tội hồng phúc! Vì cho chúng ta Đấng cứu chuộc rất cao sang…”. Đó là tất cả tâm tình của người Kitô hữu được khởi đi từ ân sủng mà Thiên Chúa đã yêu thương trao tặng cho chúng ta qua Đức Kitô. Do đó, vấn đề “tội hồng phúc” mang một chiều kích bao trùm cả đời sống đức tin của chúng ta trong việc khám phá con người thật nơi mình, đồng thời chiêm nghiệm chương trình tình thương của Thiên Chúa qua những gì mà Người đã và đang thực hiện cho sự sống và hạnh phúc đích thực của con người.
1. Tội và ân sủng
Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và khó hiểu khi nghe nhắc đến cụm từ “tội hồng phúc”. Sẽ là một nghịch lý nếu ta chỉ tham chiếu “tội” vào thực tế của đời sống tự nhiên. Vì thông thường, cái “tội” hay đi với hậu quả là “cái họa” với mức độ do những hoàn cảnh nhất định. Tuy nhiên, Đức tin Kitô giáo đã giúp ta khám phá sâu xa mối tương quan giữa tội và ân sủng. Trước tình yêu Thiên Chúa, chúng ta không thể là con người hoàn toàn xấu xa nhưng đang được bao bọc bởi lòng tha thứ và được biến đổi trở nên giống Đấng đã tận hiến cho sự sống của ta, vì “Chúa Cha yêu thương ta dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1Ga 3,1). Chính nhờ ân sủng, con người mới có thể cải thiện tình trạng sa sút trong đời sống luân lý thường nhật và hy vọng đạt tới “hồng phúc” cứu độ viên mãn. Vấn đề là chúng ta biết đón nhận hồng phúc được trao ban ấy với thái độ nào.
Theo Thánh Augustinô, sự tội bắt đầu khi con người không chấp nhận sự hữu hạn của chính mình, nghĩa là muốn nên “giống như Thiên Chúa” (St 3, 5). “Tội là một lỗi phạm đối nghịch với lý trí, chân lý, lương tâm ngay thẳng; tội là sự thiếu vắng tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và người lân cận, vì sự quyến luyến lệch lạc đối với một số điều tốt đẹp nào đó. Tội làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới nhân loại…” (GLHTCG, số 1849).
Do tội, con người đánh mất tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, tự tước bỏ ân sủng mà Người đã trao ban, dẫn tới tình trạng xáo trộn của bản tính con người, đặc biệt là sự hỗn loạn của ước muốn. Con người chỉ có thể nối lại tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa nhờ ân sủng của Người qua cái chết và cuộc Phục Sinh kỳ diệu của Đức Kitô. Thánh Phaolô đã xác tín mạnh mẽ điều này trong Thư 1 Cr 1,30: “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và cứu chuộc chúng ta”. Nhờ ân sủng, chúng ta can đảm khước từ những nổi loạn bởi đam mê tội lỗi, để khôn ngoan bước đi trong đường lối Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương dẫn dắt ta đến chung hưởng hạnh phúc với Người. Nhờ ân sủng, chúng ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa có sức mạnh vượt trên tất cả và biến đổi tất cả những tà ố có nguy cơ làm hư hoại mầm sống thiêng linh đã được gieo cấy trong ta. Nhờ ân sủng, dấu vết tội nguyên xưa nơi ta được tẩy trừ, bản chất hư hèn nơi ta được thánh hóa để trở nên hoàn thiện cùng với Đấng đã tự hiến cho phẩm giá của ta.
Nếu những trang đầu của Kinh Thánh cho thấy tình trạng bất toàn của con người sa ngã phạm tội, thì sợi chỉ đỏ xuyên suốt Kinh Thánh là sự yêu thương săn sóc của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua tương quan ân sủng. Từ hành trình của Ít-ra-en trong Cựu ước đến hành trình của Dân Mới được mở ra với hành trình sứ vụ của Đức Kitô, là một quá trình trình tiệm tiến của ân sủng đạt tới sung mãn bởi tình yêu Thập Giá. Đức Kitô đã đến trong thân phận phàm nhân, cảm thông với đau khổ của kiếp nhân sinh và đã vực dậy nhân loại khỏi tình trạng tội lỗi của nó. Nhờ quyền năng, tình thương của Người, chúng ta được giải thoát khỏi ranh giới nô lệ tà thần và bước vào miền ánh sáng bất diệt của sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu.
2. “Ôi ! Tội hồng phúc !”
Khi xét tương quan giữa tội và ân sủng, chúng ta hiểu được giá trị của giá máu cứu độ mà Đức Kitô đã mang lại cho con người nhờ cuộc khổ nạn và Phục sinh vinh hiển. Đây chính là lý do khiến tội A-đam trở thành “tội hồng phúc”. Mầu nhiệm Cứu Chuộc được biểu đạt rõ nét nhất trước tình trạng yếu đuối, dễ sa ngã của con người. Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta khi tổ tông chúng ta quay mặt từ khước tình yêu bao la của Người. Thiên Chúa đã không nỡ để chúng ta phải thất vọng trong thảm cảnh của tội nhân, nhưng đã rộng lượng bao dung cho Con Một đến cứu chuộc ta khỏi xích xiềng thần tử và đem về cõi phúc vô tận. Nhờ Đức Kitô, chúng ta được nhận lại quyền làm con Thiên Chúa, được hy vọng trên bước đường tìm về quê thật, được ủi an và can đảm giữa trùng dương bao la của khổ sầu trần lụy.
Đêm vọng Phục Sinh, tâm tình hoan ca “tội hồng phúc” chính là niềm hoan lạc của tội nhân được cứu độ và được nối lại dây thân tình với Thiên Chúa. Chính lòng nhân từ của Thiên Chúa đã khai mở cho chúng ta con đường tự do đích thực để trở về với nguồn phúc ân thuở ban đầu. Nếu A-đam bán chúng ta cho tội thì Đức Kitô đã chuộc lại chúng ta từ tội; nếu A – đam đẩy chúng ta vào sự chết thì Đức Kitô đã đến giải phóng chúng ta cho sự sống. Nếu nguyên tội khiến ta phải đoạn tuyệt với Thiên Chúa thì nhờ Ngôi Lời Nhập Thể, con người được giao hòa với Đấng Sáng Tạo trong tương giao mật thiết bền vững.
Con người lẽ ra phải rơi vào đêm trường vô tận bởi tối tăm, mờ mịt của đam mê thấp hèn, nô lệ cho dục vọng xác thịt và tiện nghi vật chất nhưng ánh sáng Phục Sinh đã bừng tỏa, rọi sáng chốn thâm ưu ấy, giúp ta vượt thắng những cám dỗ chóng qua, trở nên kiên trung trên hành trình đi tìm Chân Lý. Ân sủng đã đem lại cho ta nguồn sống kỳ diệu để trổ đơm nhiều hoa thơm thánh thiện do bởi tình thương của Thiên Chúa. Mang thân phận tội nhân, chúng ta ý thức được “hồng phúc” cứu độ trọng đại đã lan tỏa và tiếp sức cho ta trong những lúc nghi nan, thất vọng, đã khích lệ và mời gọi ta vươn tới chân trời tự do đúng nghĩa trong chức phận làm con Chúa.
Khi mang “tội” trong mình, con người bị quyền lực sự chết thống trị, bị tước đoạt ơn thánh để nên trọn hảo. Nhờ quyền lực của Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta được nhận lại sức mạnh thần nhiệm trên hành trình biến đổi nên công chính trong nguồn sống mới không bao giờ hư nát.
Nguyên tội khiến ta bị đau khổ bởi các khuyết tật thể xác, tâm linh, sống bất an trước sự dữ luôn rình rập; nhờ cuộc khổ nạn và khải hoàn vinh thắng của Đấng Phục Sinh, chúng ta biết đón nhận đau khổ như dấu chứng Thập giá để đạt được vinh quang tối hậu trong nguồn bình an sung mãn và niềm vui vô tận do chính Thiên Chúa tặng ban.
“Hồng phúc” thật lớn lao, vì liền sau hành vi bội phản, nô lệ cho vòng tỏa kìm của Satan, con người được thức tỉnh trở về trong ánh sáng Chân Lý tự do thật sự nhờ đón nhận Lời Hằng Sống của Đấng giàu lòng thương xót.
Con người cảm nghiệm được “hồng phúc” phong phú, dồi dào đã thành tựu qua cái chết và Phục Sinh của Đức Kitô. Chính Ngài đã thực hiện cách trọn hảo lời hứa của Chúa Cha, sẵn sàng tận hiến cho sự sống của con người bằng sự hy sinh triệt để nhất. Con đường mà Ngài đã mở ra cho chúng ta là con đường tình yêu, con đường xả kỷ vượt lên những chướng ngại thấp hèn, tư lợi để sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Như vậy, chính nhờ sự tương quan trong tình yêu, chúng ta có hy vọng đạt được thiện toàn bằng việc kết hiệp mật thiết với Đấng đã vui lòng chịu chết để ta được sống mãi với Người.
Khi cất lên lời ca “Tội hồng phúc !”, chúng ta bày tỏ tâm tình cảm tạ và ngợi ca công trình kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi bản thân mỗi người chúng ta qua Đức Kitô Phục Sinh, như Thánh Phaolô đã khẳng định: “Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc ngàn thu” (1 Cr 15, 14.20).
Đấng Cứu Độ đã đến ở giữa chúng ta, đồng hành với chúng ta trên hành trình tiến về Đất Mới. Nếu ngày xưa, dân Do Thái đã phải vất vả băng qua Biển Đỏ để thoát ách nô lệ Ai Cập, thì hôm nay Đức Kitô đã tiên phong dẫn lối và nâng đỡ chúng ta trên bước đường vượt thắng sự chết do tội lỗi. Ân sủng Thiên Chúa quả thực đã ngập tràn để rửa sạch những dấu tích hư hoại nơi ta. Tình thương Thiên Chúa như đại dương làm phủ lấp và nhấn chìm những con sóng dữ kinh hoàng trào dậy trong ta.
“Cũng như Thánh Phaolô quả quyết: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Nhưng để thực hiện công trình của mình, ân sủng phải vạch trần tội lỗi nhằm hối cải trái tim chúng ta và làm cho chúng ta “nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5, 21). Cũng như thầy thuốc xem xét vết thương trước khi chữa lành nó, Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời của Ngài và Thần Khí của Ngài, chiếu ánh sáng sống động vào tội lỗi…” (GLHTCG, số 1848)
“Hồng phúc” cho chúng ta, vì bến bờ hạnh phúc đã tỏ hiện trong bình minh của sáng Phục Sinh. Nếu ta là người biết tỉnh thức đón nhận bình minh ấy thì những tội lỗi còn vướng víu nơi ta như tàn đêm biệt chìm vào quá khứ để bước vào ngày mới trong niềm tin và niềm vui của tình Chúa, tình người. Ân sủng đã nối kết ta lại với Thiên Chúa, giúp ta không ngừng tin tưởng phó thác cho Ngài dẫu hành trình dương thế còn nhiều bôn ba bởi đam mê bất chính. “Hồng phúc” cho chúng ta, vì sức mạnh của Thập Giá đã trở nên vô địch bởi Đấng “đã yêu mến những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, thì Người yêu mến họ đến cùng” (Ga 13, 1b). “Hồng phúc” cho chúng ta, vì thân phận tội lỗi đã được biến đổi trong Máu Nước của Con Chiên vô tì vết. Nhờ Ánh Sáng của sự sống mới nơi Đức Kitô chiếu dọi vào tâm trí, chúng ta không thất vọng trước tình trạng tội lỗi của mình, nhưng biết phó thác cho lượng từ bi hải hà của Thiên Chúa, Đấng đã không ngại ban Con Một để cứu chuộc chúng ta.
Khi sống trong tình trạng tội lỗi, chúng ta phải mò mẫm giữa tối tăm sự dữ và đau khổ bởi cái chết linh hồn, nhưng Thiên Chúa không nỡ để ta phải rơi vào ngõ cụt ấy, Ngài đã thắp lên ngọn lửa hy vọng cuối đường hầm và dẫn ta bước lên vùng trời tự do bừng sáng huy hoàng Phục Sinh. “Địa đàng mới” chính là ta được gặp gỡ Thiên Chúa, được hiệp kết tâm giao với Người và để được làm dịu cơn khát ân sủng và gột rửa những xú khí lỗi tội làm hoen nhơ hồn thiêng vốn tinh tuyền, đẹp đẽ nơi ta.
Nhờ cuộc nhập thể kỳ diệu của Con Thiên Chúa, kho tàng ân sủng được mở ra cho chúng ta qua các Bí tích. Đây là phương thế hữu hiệu nhất giúp thanh tẩy bao thương tích, tật nguyền đã tàn phế con người do tội gây nên. Giáo hội đón nhận kho tàng Bí tích như phương tiện tối ưu nhằm canh tân nhân loại hôm nay với những con người đang mất dần ý thức về tội. Khi người ta đang cố vượt ra ngoài ranh giới của những chuẩn mực luân lý nền tảng, cũng là lúc lời mời gọi từ Thập Giá thống thiết thôi thúc nhân loại hãy sám hối trở về với đường ngay nẻo chính do chính Đức Kitô đã khai mở.
“Tội hồng phúc”! Quả là không nghịch lý khi ta cảm nghiệm giá trị của ân sủng đã phục hồi và tái sinh chúng ta từ tình trạng tội lỗi đớn hèn trở nên nhân vị cao thượng, được tháp nhập vào thế giới siêu nhiên, cùng dự phần hạnh phúc vô tận với Đấng Toàn Năng.
“Tội hồng phúc”! Chúng ta như đứa con hoang đàng trong Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Lc 15, 1 – 32). Ân sủng đã thúc đẩy ta trở về sau những tháng ngày lạc xa tình Chúa. Ngài là Người Cha Nhân Hậu đích thực đã không đoạn tuyệt, lãng quên ta, cho dẫu ta đã cố tình bội phản. Tình thương Chúa như điểm tựa nâng ta chỗi dậy sau cơn thất vọng ề chề, dìu ta trở về trong vòng tay độ lượng, ái tuất vô biên.
3. “Tội hồng phúc” – Hy vọng cho hành trình Đức tin.
Cảm nghiệm sâu xa ân ban mà Thiên Chúa đã dành cho tội nhân qua Đức Kitô, Thánh Augustinô đã thốt lên: “…Lạy Cha nhân lành, Cha đã yêu thương chúng con dường nào, vì đã chẳng dung thứ Con Một mình, Cha lại phó Người cho các tội nhân là chúng con… Người làm cho chúng con từ bậc nô lệ trở nên con cái Cha, vì Người được sinh ra bởi Cha, nhưng lại làm nô lệ chúng con. Nên con có lý mà hy vọng chắc chắn ở Người rằng: Cha sẽ nhờ Người mà chữa lành mọi bệnh tật của con, vì Người đang ngự bên hữu Cha và cầu bầu cho chúng con…”.
Mang thân phận phàm nhân yếu đuối, dễ xuôi chiều bởi các đam mê dục vọng, nhiều khi ta đã hoài nghi về một trợ lực vô hình có khả năng biến đổi và nâng đỡ ta trên bước đường hướng tới toàn thiện. Kinh nghiệm về ân sủng giúp ta hy vọng vào tình thương Chúa được biểu tỏ sống động qua sự Phục Sinh của Đức Kitô. Chính tình yêu cao cả của Thập giá đã biến tội lỗi thành hồng phúc. Hy vọng và phúc lộc của chúng ta chính là tình yêu sâu thẳm và bao la của Thiên Chúa vượt thắng quyền lực của đau khổ, sự chết. Dù phải đọa sa trong tình trạng tội lỗi, nhưng chúng ta đã được diễm phúc đón nhận Ngôi Lời là quà tặng đẹp đẽ nhất, may lành nhất, khả phúc nhất trong tương giao tình Trời, tình người. Dù bất toàn, nhưng ta luôn đặt trọn niềm hy vọng tuyệt đối vào Đấng Phục Sinh đã, đang, và sẽ biến đổi thế giới này trong quỹ đạo nhân bản, tràn đầy tình thương và ân sủng.
Kết Luận
“Ôi ! Tội hồng phúc”! Thật ý nghĩa và hàm súc biết bao lời trần tình ấy. Nhân loại hôm nay dẫu cố tình chối bỏ chân lý Thập Giá, ngoảnh mặt trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa, nhưng chính nhân loại ấy đã được nhận lãnh hồng phúc cứu độ từ Đức Kitô. Dẫu là tội nhân, ta hãy mau mắn đáp trả tình thương của Đấng đã chết cho ta được sống luôn mãi. Dẫu là tội nhân, nhưng ta luôn sống hy vọng, “vì đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6,5-6).
Ôi ! Tội hồng phúc !
ĐCV Vinh Thanh Tuần Thánh 2011
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn