Chúa Giêsu đã sống lại, và Người hiện ra với hai môn đệ làng Emmaus, khi họ đang trên đường trở về quê nhà. Người trò chuyện với họ. Nhưng họ đã không nhận ra Người.
Bởi quá bất ngờ, và bởi Người có một dung mạo khác.
Chỉ đến khi vào bữa ăn tối, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng rồi chia cho các ông, các ông mới nhận ra Người...
Câu chuyện trong Kinh Thánh này, có ý nghĩa vô cùng thiết thân. Nó củng cố đức tin: "Thiên Chúa luôn đồng hành, luôn ở cùng chúng ta...", và nhắc nhở về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể…
Bởi ý nghĩa này, "Hành trình Emmaus" đã trở thành chủ đề quan trọng trong nghệ thuật Công Giáo. Đã có nhiều họa sĩ vẽ về chủ đề này. Trong đó, nổi tiếng nhất là ba tác phẩm cùng tên “Bữa ăn tối ở Emmaus” của ba “thiên tài” hội họa: Titian (1488-1576), Caravaggio (1571-1610) và Rembrandt (1606-1669). Ba tác phẩm của ba họa sĩ là ba lối tiếp cận khác nhau về chủ đề và là ba phong cách nghệ thuật khác nhau. Đó là những khác biệt vừa mang tính cá nhân vừa mang tính thời đại.
Titian vẽ “Bữa ăn tối ở Emmaus” trong khoảng thời gian từ 1530 đến 1535, khi ông đã là một họa sĩ lừng danh. Trong sử sách nghệ thuật, người ta xem Titian là một trong những nghệ sĩ tài năng hiếm có, một tên tuổi bậc nhất trong hàng những họa sĩ lớn của thời đại Phục Hưng. Với kỹ thuật sơn dầu điêu luyện, cái thế giới hiện thực hiện hình trong tranh ông, ở từng chi tiết nhỏ, đã mang hơi thở phập phồng của sự sống. Một vẻ đẹp sống động trong một tinh thần dung dị nhưng tinh tế, quí phái… đó là những gì người ta có thể nói về phong cách hội họa Titian.
“Bữa ăn tối ở Emmaus” của Titian đã được chuyển tải với phong cách hội hoạ như vậy. Trước mắt ta là hình ảnh câu chuyện ở thời khắc hai vị Thánh Tông đồ nhận ra Thiên Chúa của mình. Tất cả đều hết sức tự nhiên với khung cảnh và dáng dấp đời thường. Chúa Giêsu ngồi chính giữa đang làm phép thánh vừa điềm đạm nghiêm trang vừa thật gần gũi, thân thiện… Hình ảnh một chú chó đang đùa nghịch với một chú mèo nhỏ dưới gầm bàn càng làm cho không khí trong tranh có tính cách hiện thực sắc nét hơn nữa… Trong cách nhìn hiện đại hơn, nhiều nhà phê bình đã cho rằng, hình ảnh trong “Bữa ăn tối ở Emmaus” của Titian không đơn giản chỉ là nỗ lực “khách quan hóa” câu chuyện trong Kinh Thánh. Nó còn là một ẩn dụ: những vật thể trên bàn, bánh và rượu, là những thành phần của Thánh Thể; còn chiếc bàn trải khăn trắng đơn sơ kia, lại gợi ý hình ảnh bàn thờ nhà thờ…
“Bữa ăn tối ở Emmaus” vẽ năm 1601 của Caravaggio, được xem là có cảm hứng từ tác phẩm nói trên của Titian. Nhưng, cũng như phần lớn tác phẩm của Caravaggio, đây cũng là tác phẩm gây nên nhiều tranh cãi. Dĩ nhiên, chẳng ai có thể nghi ngờ khả năng thể hiện nghệ thuật của “thiên tài” hội họa này. Xét riêng về hình thức, phần lớn các nhà phê bình nghệ thuật đều thừa nhận, đây là tác phẩm rất đặc biệt của Caravaggio. Hầu như trước ông chưa có họa sĩ nào diễn tả ánh sáng và thể chất đồ vật trong tranh sắc sảo và mạnh mẽ đến như vậy... Điều gây tranh cãi, chủ yếu ở khía cạnh tư tưởng, ở cách Caravaggio “lý giải” chủ đề. Đương thời, phía phản đối cho rằng: Một, cái bàn ăn thừa mứa kia tầm thường như ở một quán nhậu chứ không có cái đạm bạc thiêng liêng của một bàn thờ…; Hai, hình ảnh Chúa Giêsu đã không có râu, lại quá trẻ và hơi có phần giống phụ nữ…; Ba, hành vi của các nhân vật trong tranh tạo cảm tưởng ba người quá thân mật, thậm chí, hơi có phần suồng sả… Caravaggio và những người ủng hộ ông lúc đó, cũng như bây giờ, đã có ý kiến ngược lại: Một, Thiên Chúa ở cùng chúng ta là ở bất cứ nơi đâu trên thế gian này, không nhất thiết chỉ ở trên bàn thờ, trong nhà thờ, do đó, không cần phải ám chỉ về đó. Điều này trong Kinh Thánh đã nói rõ…; Hai, tại sao Chúa Giêsu đã xuất hiện trước các Thánh Tông đồ trong một hình hài khác khiến họ không nhận ra Người cho đến khi Người làm phép Thánh? Chẳng phải Người muốn cho các Thánh Tông đồ hiểu rằng từ nay, Người có thể hiện thân trong hình ảnh bất kỳ ai, bất kể giàu, nghèo, sang, hèn và luôn ở bên họ, đồng hành với họ…? Hình ảnh này có gì sai trái với những gì đã được mô tả trong Kinh Thánh?... Ba, không có lý do gì để từ chối sự thân mật và gần gũi trong sự tiếp cận Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ đến khi chúng ta cầu nguyện hay suy gẫm về Thiên Chúa. Thiên Chúa ở bên cạnh và đồng hành với chúng ta trong từng khoảnh khắc của đời sống… Chẳng phải trong Kinh Thánh cũng đã nói như vậy sao!
Đến phiên nó, “Bữa ăn tối ở Emmaus” vẽ năm 1648 của Rembrandt, được xem là có cảm hứng từ sự hòa trộn giữa tính cách dung dị, tinh tế của Titian và cách sử dụng ánh sáng điêu luyện nhằm tôn vinh chủ đề của Caravaggio. Thật vậy, “Bữa ăn tối ở Emmaus” của Rembrandt trông thân quen như hình ảnh một buổi cầu kinh trong mọi gia đình Công Giáo. Điểm đặc biệt là cách sử dụng ánh sáng với bản màu nâu đã tạo cho hình ảnh này một không khí vừa thân mật vừa thiêng liêng. Chính cái khoảng trống chìm trong tối ở nửa trên bức tranh càng làm cho cái không khí thân mật và thiêng liêng này càng thêm sâu sắc. Tư tưởng của Rembrandt thể hiện trong tranh: sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta không phải là điều quá bất ngờ và mang ý nghĩa siêu việt. Người đến tự nhiên với sự yêu thương, nhẹ nhàng…
Còn nhiều điều có thể nói về ba tác phẩm vửa kể ở khía cạnh nghệ thuật. Tuy nhiên, nó không nằm trong mục đích của bài viết này. Qua sự trình bày sơ lược ba tác phẩm cùng chủ đề ở ba thời điểm lịch sử nghệ thuật khác nhau, tôi chỉ muốn lưu ý một điều: qua thời gian, nghệ thuật càng ngày càng không đơn giản là công cụ minh họa Kinh Thánh, một phương tiện để quảng bá Lời Chúa nữa. Nó chứng thực Lời Chúa như bản thân sự hiện hữu của con người trong chân tính và thiện tính của nó. “Hành trình Emmaus” trong nghệ thuật, càng ngày càng gần hơn trong các trãi nghiệm tâm linh nơi con người.
Nguyên Hưng
Tài liệu tham khảo:1/ Histoire de la Peinture của Wendy Beckett
2/ The story of Art của E.H. Gombrich