Photobucket

Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô (A): SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA






(Đnl 8, 2-3.14b-16a ; 1Cr 10,16-17 ; Ga 6, 51-59)

Có nhiều người nói: Chúa quyền năng hiện diện ở khắp mọi nơi, tôi ngồi ở nhà cũng có thể gặp Chúa được. Cần gì đến nhà thờ dự lễ cho thêm phiền toái và thêm mất thời giờ?

Quả thực Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi, nhưng có thể nói có nhiều cách hiện diện. Bất cứ một trái tim nhân loại nào cũng biết là có nhiều mức độ thân ái trong các cách hiện diện: có những mức độ xa xa, có những mức độ gần gũi, rất mật thiết làm rung động trái tim con người.


1. Bình thường có 3 phương cách hiện diện
trong các tương quan nhân loại
Trước hết, hiện diện bằng tiếng nói: Một người ở xa có thể dùng máy điện thoại chẳng hạn, để nói chuyện với bạn hữu của mình. Thông thường chúng ta dùng một lá thư để gửi gắm vào đó những lời nói của chúng ta. Dùng máy điện thoại hay viết thư, đó là hiện diện bằng lời nói. Biết bao nhiêu gia đình có người thân ở ngoại quốc lấy làm sung sướng khi nhận được một lá thư. Lá thư ghi lại những lời nói của người thân, vì thế một cách nào đó lá thư là một sự hiện diện.
Thứ hai, hiện diện bằng hình ảnh: Tình cảm chúng ta sẽ được thỏa mãn biết bao khi người thân chẳng những viết thư cho chúng ta mà còn gửi cho chúng ta một tấm hình. Lúc ấy trí tưởng tượng chúng ta bám víu vào được một cái gì cụ thể. Chúng ta thấy được người thân của chúng ta ở xa đứng ở chỗ này hay chỗ kia và đang hướng lòng về chúng ta.
Nền văn minh hiện đại với sự phát triển của các thứ máy truyền thanh, truyền hình đã tạo nên được những cuộc gặp gỡ giữa những con người ở xa nhau: nhờ Internet, radio, nhờ TV, chúng ta nghe nhau, thấy nhau tuy ở xa nhau.
Sau hết, sự hiện diện bằng tiếng nói hay bằng hình ảnh không thể nào so sánh được với sự hiện diện thật sự bằng tất cả bản thể. Tình cảm chúng ta chỉ thực sự được thỏa mãn khi người thân của chúng ta hiện diện đó trước mặt không chỉ bằng lời nói hay hình ảnh, mà bằng con người trọn vẹn.
Như ta thấy người thân của chúng ta hiện diện bằng ba cách, và cũng có ba cách để tiếp đón người thân đó là nghe, nhìn, và động chạm tới. Khi bạn thân chúng ta gửi lời về, chúng ta nghe hoặc chúng ta đọc; đọc cũng là một cách nghe. Khi họ gửi hình tới, chúng ta nhìn. Khi họ đích thân đến thăm viếng chúng ta, chúng ta đụng chạm tới họ bằng cách bắt tay, bằng cách hôn nhau, bằng cách ăn uống. Tuy ở Châu Á, cử chỉ hôn nhau không phổ biến như ở Châu Âu, nhưng đó là một cử chỉ tuyệt diệu để diễn tả một tình yêu sâu xa. Tình yêu của một người mẹ đối với đứa con nhỏ của mình được diễn tả một cách đầy đủ, bằng cách nghe con, nhìn con và nhất là ôm con vào lòng, hôn nó trên má, trên trán. Rồi chúng ta cũng đừng quên rằng ăn uống cũng là một cử chỉ động chạm đến bạn hữu: hai người bạn cùng ăn cùng uống với nhau, thì của ăn và của uống lúc ấy trở thành một mối trung gian nối kết hai trái tim với nhau.
2.
Để diễn tả tình yêu bao la của Người đối với chúng ta là những con người cụ thể có hồn và có xác, Thiên Chúa đã dùng cả ba phương cách nói trên. Lịch sử cứu độ phản ảnh ba phương cách hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người.
Thời Cựu Ước là thời Thiên Chúa hiện diện đặc biệt bằng lời nói. Người nói với chúng ta qua các tổ phụ, các tiên tri. Đó là thời mà loài người được nghe Thiên Chúa nói, nhưng chưa được thấy gì cả. Lời của Thiên Chúa được ghi lại cho chúng ta trong Kinh Thánh.
Thời Tân Ước là thời Thiên Chúa cho chúng ta thấy Người qua mầu nhiệm nhập thể. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã làm người để chúng ta nhìn ngắm Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Và Thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Người không chỉ là một tấm hình, một chiếc phôtô, nhưng là Thiên Chúa làm người, trong thân phận của người tôi tớ.
Qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, chúng ta có thể nhìn ngắm Thiên Chúa trong máng cỏ, Thiên Chúa trong đời sống gia đình ở Nadarét, Thiên Chúa đi rao giảng cho người nghèo, Thiên Chúa giữa các bệnh nhân, giữa các em bé, Thiên Chúa trên Thập giá, và Thiên Chúa sống lại vinh quang.
Nhưng Thiên Chúa không chỉ hiện diện bằng lời nói và hình ảnh mà thôi. Người muốn chúng ta không chỉ nghe Người và nhìn ngắm Người. Người muốn hiện diện một cách trọn vẹn để có thể động chạm tới tất cả mọi người. Thánh Marcô kể là Chúa Giêsu thường giơ tay đụng tới các bệnh nhân. Người đụng tới một người phong (Mc 1,41), đụng tới một người điếc và ngọng (Mc 7,33), đụng tới một người mù (8,25), đỡ em bé bị kinh phong chỗi dậy (9,2) và các bệnh nhân đều được lành mạnh. Chính vì muốn đụng chạm tới tất cả mọi người, qua mọi thế hệ nên Chúa Giêsu đã lập nên phép Thánh Thể. Đây không còn là một sự hiện diện bằng lời nói hay bằng hình ảnh nữa, nhưng là một sự hiện diện thực sự của Con Thiên Chúa, bằng tất cả Bản thể của Người. Khi lập phép Thánh Thể, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta… Hãy uống chén này hết thảy, này là Máu Ta, Máu giao ước đổ ra vì nhiều người để nên ơn tha tội” (Mt 26,27-28). Cầm lấy để ăn và uống Mình và Máu Thánh Chúa, đó là động chạm tới Người.
3. Trong đạo Công giáo có nhiều phương cách
tiếp đón sự hiện diện của Thiên Chúa
Chúng ta nghe Lời Người trong Kinh Thánh; Kinh Thánh giống như lá thư của một người thân ở xa gửi chúng ta. Người thân ấy là chính Thiên Chúa.
Chúng ta nhìn Thiên Chúa khi chúng ta nhớ tới Ngôi Lời Nhập Thể, tức là Đức Giêsu Kitô trong khung cảnh ở Palestina. Rồi chúng ta có thể nói là chúng ta nhìn Thiên Chúa khi chúng ta ý thức tới sự hiện diện của Người nơi anh chị em chúng ta, nhất là nơi những người nghèo khó vì Chúa Giêsu đã nói: “Những gì các ngươi làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất của Ta là các ngươi đã làm cho chính mình Ta” (Mt 25,40)
Sau hết chúng ta được mời gọi động chạm tới Đức Kitô bằng cách tham dự thánh lễ và rước lễ. Trong Bí tích Thánh Thể, Con Thiên Chúa hiện diện đó một cách thực sự bằng tất cả bản thể của Người. Người hiện diện đó như một vị Thầy thuốc của tâm hồn để chữa lành các tội lỗi và nết xấu của chúng ta. Người hiện diện đó như thứ lương thực cần thiết nhất để đưa lại cho chúng ta sự sống đời đời. Người hiện diện đó như một của lễ, để chúng ta được cùng với Người dâng lên Chúa Cha.
Chúng ta không thể chỉ ngồi ở nhà để đọc và suy niệm Lời Chúa. Chúng ta cần phải đến với Đức Giêsu trong Bí tích Thánh thể để động chạm tới Người, để đón nhận ơn cứu rỗi từ hai bàn tay của Người. Nhưng chúng ta phải động chạm trong đức tin. Chúng ta hãy nhớ tới câu chuyện: trong lúc cả đám đông dân chúng chen lấn vào Chúa Giêsu, một người phụ nữ mắc bệnh băng huyết đi đàng sau và đã động tới áo choàng của Người. Tức thì bà đã được chữa lành. Chúa liền quay lại và hỏi: “Ai đã rờ đến áo Ta?” Các môn đệ mới nói: “Ngài thấy dân chúng chen cả vào Ngài mà Ngài lại nói: “Ai rờ đến Ta?”. Và khi người phụ nữ thú nhận đã rờ đến áo Chúa, Chúa nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con, hãy đi bằng yên và lành hẳn tật nguyền của con” (Mc 5,25-34). Như ta thấy, cả đám đông động chạm tới Chúa, mà chỉ có một phụ nữ động chạm tới Người trong đức tin, và đã nhận được ơn chữa lành.
Chúng ta được mời gọi động chạm đến Con Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể bằng việc rước lễ. Nhưng việc ấy chỉ trở nên ích lợi cho chúng ta, chỉ mang lại ơn cứu độ cho chúng ta, nếu chúng ta làm trong đức tin. Giuđa đã đụng chạm tới Chúa, đã hôn Chúa trên má, nhưng đó là một cái hôn phản bội. Người phụ nữ tội lỗi kia đã động chạm tới Chúa đã hôn chân Chúa, nhưng đó là một cái hôn đầy tâm tình thống hối yêu mến và biết ơn.
Rước lễ cũng là một sự đụng chạm tới Chúa. Ước gì đức tin sẽ soi sáng chúng ta và gợi lên cho chúng ta những tâm tình xứng đáng khi chúng ta tới trước bàn thờ để tiếp nhận Chúa vào trong tâm hồn chúng ta.

Linh mục Norberto

0 nhận xét

Leave a Reply

Cảm ơn bạn đã đọc và cho ý kiến về bài viết.
>>> Để nhận xét:
1. Ở phần "Nhận xét với tư cách" bạn chọn phần "Tên/URL".
2. Bạn nhập tên của mình vào và ở mục URL bạn nhập tên và ".com" (Ví dụ: Tên: Vidu, URL:vidu.com) Và click "Tiếp Tục"
3. Và sau đó bạn chỉ cần nhận xét bài viết của mình và click "Đăng nhận xét"...

>>>Hân hạnh được đón tiếp bạn tại trang web "Con Yêu Mến Chúa!" . Hy vọng đây sẽ là nơi bổ ích và thú vị cho bạn. Rất mong nhận được sự đóng góp của bạn để cùng nhau xây dựng "Con Yêu Mến Chúa!" ngày 1 lớn mạnh.

Thân ái,
Cảm ơn bạn!