HOẠT CẢNH THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH (15.11.2009)
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH (15.11.2009)
Linh Mục Philipphê Phan Văn Minh
(bị bắt 26-2-1853, xử trảm 3-7-1853)
Cho tới ngày nay, tất cả các linh mục xuất thân từ chủng viện Penang, Mã Lai, đều biết đến người anh hùng tử đạo tiên khởi của trường, đó là linh mục Philipphê Minh. Tại sân trường vẫn còn tượng bán thân và trong nhà nguyện vẫn còn tượng của ngài. Những người Việt trí thức thời bấy giờ không thể quên tên Minh vì tên của ngài đi kèm với cuốn tự điển Annam-Latinh vĩ đại của Đức Cha Taberd.
Đức Cha Lefebvre, giám mục tiên khởi của địa phận Sài Gòn đã viết cuộc xưng đạo của Cha Minh bằng những dòng này: “Philipphê Minh sinh tại miền tây Nam Việt do cha mẹ Công Giáo nổi tiếng đạo hạnh và trung thành trong cơn bắt đạo. Khi còn nhỏ, cậu bé đã theo Đức Cha Taberd, giám mục coi sóc toàn cõi Nam Việt, và vì tư cách thông minh xuất chúng, cậu đã được đức cha nhận vào chủng viện. Năm 1833 Minh Mệnh bắt đạo dữ tợn, nhà trường phải giải tán, đức cha đã dẫn cậu trốn sang Siam và sau đó gửi cậu vào chủng viện của vùng Đông Nam Á ở Penang. Tại đây, Thầy Minh sau khi học xong thần học, ngài được Đức Cha Taberd, lúc bấy giờ đang điều trị bệnh ở Calcutta, Ấn Độ, và đang soạn tự điển, gọi sang giúp. Đến năm 1840 Đức Cha Taberd qua đời, Thầy Minh trở lại chủng viện Penang để tiếp tục học... Thầy về nước và được chịu chức linh mục năm 1846”...
Ba má Cha Minh, ông Đominicô Phan Văn Đức và bà Anna Tiếu, người làng Cái Mơn, quận Mỏ Cầy, tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Ông bà là trùm họ và có mười bốn người con, Cha Minh là người con thứ mười hai. Hai ông bà chết sớm nên chị cả phải lo lắng cho các em. Cậu Minh được Đức Cha Taberd nuôi từ năm 13 tuổi. Khi học ở Penang Thầy Minh đã từng làm trưởng tràng trong nhiều năm và được các thầy bạn cảm phục. Trở về Việt Nam sau khi chịu chức Sáu, Thầy Minh làm việc tông đồ ở Bổn Quán được một thời gian thì Đức Thánh Cha chia địa phận mới tại Nam Việt, và Đức Cha Lefebvre, lúc bấy giờ đang bị giam tại Huế, được chọn làm Giám Mục địa phận Sài Gòn. Cha chính Miche sai Thầy Sáu Minh ra Huế thăm đức cha và lĩnh ý đức cha về việc chịu chức. Đức cha đã nhờ Đức Cha Cuénot Thể truyền chức linh mục cho thầy tại Gia Hựu năm 1846, lúc ấy thầy được 31 tuổi.
Trong thời kỳ bắt đạo, các thừa sai và Đức Cha phải trốn ẩn, và vì đức tính trổi trang, đức cha đã ủy thác cho Cha Minh được quyền ban phép thêm sức. Cha Minh phải vất vả đi nhiều họ đạo giúp giáo dân thêm mạnh mẽ trong đức tin. Cha lần lượt đi làm phúc các họ Đầu Nước, Xoài Mút, Chợ Bưng, Ba Giồng, Cái Mơn, Bãi Xan, Chà Và, và Mặc Bắc.
Năm 1848 Tự Đức ra lệnh cấm đạo đầu tiên và buông sông các thừa sai nếu bắt được. Và năm 1851 ra lệnh nghiêm ngặt hơn cho các tổng đốc phải tận diệt đạo Kitô. Trong những năm khốn khó này, Cha Minh nhiệt thành can đảm, không chút sợ hãi thi hành bổn phận. Mọi người đều cảm phục cha đến nỗi quá lời khen cha như sau: “Cha hiền từ đức hạnh, cha thay mặt Đức Chúa Trời, mà thật cha hiền lành giống Chúa Giêsu nữa”. Đặc biệt cha lo lắng tìm kiếm ơn gọi để có thêm linh mục làm vườn nho của Chúa. Cha Giacôbê Binh, người đồ đệ yêu quí của Cha Minh, đã thuật lại lời khuyên nhủ của ngài: “Cha có nuôi nhiều học trò song không chắc có ai nối gót cha được. Vậy con hãy siêng năng cầu nguyện cùng Đức Mẹ và ra sức luyện tập các nhân đức hầu Chúa gọi con nối tiếp công việc cha... Con hãy theo ơn Chúa mà học cho bền, đặng sau làm linh mục”....
Năm 1852 Cha Borelle cai quản vùng Cái Nhum nghe tin có người tố giác Cha Minh thì sai người đến Mặc Bắc để thay thế Cha Lựu cũng đang bị tố giác ở vùng ấy. Cuối tháng 12, Cha Minh đến họ Mặc Bắc và ở trọ trong nhà ông trùm Lựu (tử đạo sau này). Tại họ Mặc Bắc có một người Công Giáo nhưng cờ bạc, làm bếp cho quan nên được gọi là Bếp Nhẫn. Vì túng tiền hắn đến hỏi vay tiền Cha Lựu nhưng cha không tiếp tay cho tính xấu của hắn vì thế hắn thù tố cáo Cha Lựu với quan. Cha Lựu phải trốn đi Ba Giồng và Cha Minh về thay thế. Bếp Nhẫn bàn với Xã Hiệp và Lý Vắp dẫn quân tỉnh Vĩnh Long về vây họ Mặc Bắc để bắt cha Lựu.
Hôm ấy là thứ Bảy ngày 26-2, buổi kinh chiều vừa tan thì lính ập đến nhà ông trùm Lựu. Chúng hò hét bắn súng và đốt lửa. Ông Trùm thưa Cha Minh, quan tỉnh đến bắt cha vì quan có ống nói. Cha đáp lại: “Quan bắt thì chịu vậy, thánh ý Chúa đã định”.
Cha sai người đến báo tin cho nhà dòng để họ trốn và cất các đồ đạo. Ông trùm Lựu ra mở cửa thưa quan: “Đêm hôm quan lớn đến nhà có việc gì ạ?”
Quan lãnh binh nói: “Ta có lệnh của quan tỉnh tróc nã đạo trưởng Lựu”.
Ông trùm thưa lại: “Không có đạo trưởng Lựu ở đây, Lựu là tên tôi”.
Lính xúm lại bắt trói cả nhà. Thấy vậy Cha Minh ra nộp mình, nói với họ: “Nếu các ông tìm đạo trưởng thì tôi là đạo trưởng, xin tha cho các người này”.
Cha bị trói buộc vào cột nhà vì quan nói bên đạo có phép linh. Quan nhất mực tra hỏi đạo trưởng Lựu. Cha Minh thưa: “Tôi là đạo trưởng, còn Lựu là tên ông chủ nhà này”.
Quan lãnh binh được lệnh bắt đạo trưởng Lựu trong khi đạo trưởng bị bắt lại là Minh và Lựu là tên chủ nhà vì thế ông hồ nghi hỏi vặn kỹ lưỡng hơn: “Đạo trưởng tên là Lựu, còn thầy không phải tên Lựu thì đạo trưởng Lựu ở đâu?”
Quân lính còn lục lọi các đồ đạo và lấy được một cái đàn, bẩm với quan: “Thầy đạo có nhiều đồ lạ”.
Chỉ vào cây đàn quan hỏi: “Thầy làm sao cho nó kêu?”
Cha Minh thấy vẻ ngô nghê của họ thì cười nói rằng: “Vặn máy thì nó kêu”.
Quan ra lệnh cởi trói cho cha và bảo cha làm cho đàn nó kêu. Trong khi đó quân lính tiếp tục lục soát nhà dòng và nhà các chức việc bắt được bốn ông là Xã Kim, Hương Sĩ, Phó Tổng Trị và Lý Cai. Quan trách móc các chức việc không chịu tố giác đạo trưởng và đánh đòn các ông. Giáo dân phải mang tiền đến đút lót xin quan tha cho một số người, chỉ còn lại Cha Minh và sáu người khác bị quan bắt giải đi.
Tới ngày thứ ba thì quan lãnh mới đem các tù nhân Công Giáo về tới Long Vĩnh giao cho quan tỉnh. Trong dinh tổng đốc có Đốc Lý, quan án Doãn và quan bộ Hoài tra hỏi Cha Minh:
- “Thầy tên gì và quê ở đâu?”
- “Tên tôi là Philipphê Minh, người làng Cái Mơn, cha mẹ đều chết sớm”.
- “Thầy có đi học bên Tây không?”
- “Tôi có đi học 7 năm theo Đức Cha Taberd nhưng nay ông ấy đã chết rồi”.
- “Làm sao thầy về được đây?”
- “Học xong tôi quá giang ghe bầu mà về, ghe này không phải ở đây mà ở Huế”.
- “Thầy còn anh chị em gì không?”
- “Tôi có người chị đã già nhưng nghe tin tôi bị bắt thì không biết trốn đi đâu”.
- “Ai rước thầy về Mặc Bắc?”
- “Tôi đi 3 thầy trò, không có ai rước cả. Tôi đi viếng các họ đạo, chỗ này năm bữa, chỗ kia bẩy bữa rồi lại đi nơi khác”.
Cứ thế các quan vặn hỏi để tìm cách bắt thêm nhiều người, vì càng nhiều người càng kiếm được nhiều tiền đút lót như ngày xưa có tục gọi là tiêu xưng, và dân gian cũng thường nói vô phúc phải đến tòa quan. Hiểu như thế mới thấy lời khai của Cha Minh muốn tránh liên lụy cho người khác. Không khai thác gì được nơi ở của các đạo trưởng khác, quan hỏi đến các đồ đạo từ đâu mà có, Cha Minh trả lời:
- “Các đồ đạo là của tôi, có thứ người ta cho, có thứ tôi sắm”.
- “Các đồ đó để làm gì?”
- “Đó là đồ dùng vào việc tế lễ”.
Quan bắt cha mặc áo lễ cho ông xem nhưng cha thưa lại: “Không có lẽ gì tôi mặc các đồ ấy cho các quan coi chơi”.
Lúc ấy Bếp Nhẫn thưa với quan là hắn cũng biết làm lễ như các cha. Hắn liền mặc áo lễ xoay ra xoay vô cho các quan coi và cùng cười lên. Sau cùng quan nói:
- “Thầy làm đạo trưởng làm gì, bỏ đạo đi để làm quan”.
- “Tha hay bắt là việc của quan, tôi không bao giờ bỏ đạo”.
- “Thầy quá khóa đi thì sẽ được tự do về nhà làm thuốc”.
- “Không có lẽ nào tôi quá khóa. Tôi dậy dỗ bổn đạo mà người ta còn chẳng dám làm điều quái gở ấy phương chi là tôi. Quan bắt giết thế nào thì tôi xin chịu”.
Sau đó quan tra hỏi đến các chức việc và sai làm gông nặng có bọc sắt và giam ở trại Vĩnh Tiền gần dinh để dễ dàng tra hỏi.
Mỗi ngày các quan đều kêu tất cả các tù nhân hay một hai người lên để tra hỏi và dụ dỗ chối đạo. Quan còn nhờ các nha lại khuyên dụ Cha Minh nhận chối đạo để được tha về. Chính Cha Minh viết thư cho Đức Cha nói về các cuộc ta tấn và tù đầy như sau: “Quan tổng đốc tra xét mấy ngày thì bảo đem ảnh chuộc tội để dưới đất trước mặt con và bảo con bước qua. Khi nghe lời đó con hết sức lo buồn kêu xin cùng Chúa: 'Lạy Chúa, Chúa đã định cho con phải chịu cơn thử thách này thì cũng xin ban ơn cho con được sức mạnh lướt thắng chước cám dỗ và đừng để con thất trung bất hiếu cùng Chúa. Xin Chúa hãy thương xót con'. Con biết thật Đức Chúa Trời đã giúp sức cho con, ban ơn can đảm để con không sợ hãi. Con thưa với quan: 'Bẩm quan lớn tôi chẳng dám, xin quan lớn đừng bắt ép tôi làm việc ghê gớm ấy vì phép đạo chúng tôi dậy phải thờ kính dấu thánh giá này. Tôi đã giữ đạo này từ bé, có lẽ nào dám dầy đạp dưới chân'. Quan tổng đốc hô lính lôi con qua tượng ảnh. Chúng cầm hai đầu gông mà khiêng con qua, nhưng con cố co chân lên”.
Quan còn nói với Cha Minh không cần phải đạp ảnh, chỉ cần nói là xuất giáo thì cũng tha. Cha Minh đáp lại: “Tôi làm như thế cũng không được vì phạm tội phản bội cùng Chúa, cùng các thầy dậy và là người láo xược. Là giáo trưởng mà nói rằng mình không phải là giáo trưởng là lừa dối mọi người”.
Quan còn tìm cách khác dụ cha khai rằng các đồ đạo là của đạo trưởng Tây giao cho giữ và như thế các quan có thể tha mà không sợ lỗi lệnh vua. Cha Minh một mực thưa: “Xin các quan xét cho tôi, tôi không thể khai dối trá được. Các quan có làm án chém tôi thì tôi sẵn lòng, còn khai theo lời quan dậy thì không dám”.
Thấy không lung lay được người lính anh dũng của Chúa Kitô, các quan truyền giam vào nhà tù Tuyển Phong để chờ án.
Cha bị giam tù như thế lúc đầu có khổ sở song về sau lính để cha được dễ dãi. Cha thường an ủi các chức việc cùng bị bắt. Cha còn nói với bổn đạo liệu tiền để các chức việc được tha, nhưng quan ra điều kiện là họ phải bỏ đạo thì mới được tha. Cha bảo họ thôi đừng mất tiền vô ích, Chúa cho sao chịu vậy. Cha Minh còn khuyên họ tha thứ cho kẻ làm khốn khổ mình. Tên Bếp Nhẫn, Xã Hiệp hối hận đến xin lỗi cha. Cha tha hết và còn cho tiền Bếp Nhẫn nữa. Trong tù, cha nhắn cho giáo dân đến để xưng tội và lãnh phép Thêm Sức cũng như lĩnh ơn toàn xá. Cha Lựu cũng trá hình vào nhà tù để thăm Cha Minh và ban phép giải tội cho ngài.
Các quan họp nhau làm bản án cho Cha Minh như sau: “Phan Văn Minh, 38 tuổi, là giáo trưởng. Vì đã cả lòng đi học bên Tây, là môn đệ ông Phú Hoài Từ (Đức Cha Taberd), sau lại làm môn đệ ông Phú Hoài Ngãi (Đức Cha Lefebvre). Hơn nữa khi ông Phú Hoài Ngãi bị giam cầm trong khám đường (Huế) đã cả lòng đến thăm và còn lãnh chức giáo trưởng, rồi đi lại nhiều nơi mà giảng đạo dụ dỗ dân chúng tin theo tả đạo. Sau cùng tới làng Long Định, xứ Mặc Bắc, lập đạo quán ở đấy. Nay chúng tôi đã dậy nó phải bỏ sự dị đoan xấu xa gớm ghiếc ấy mà quá khóa, song nó chẳng nghe. Vì vậy chúng tôi xét nó là đứa phạm luật phép nước nhà, phạm tội rất nặng và ra án phải lưu đầy Sơn Tây như lệnh của đức hoàng đế đã dậy thuở trước. Còn sáu tên tòng phạm thì chúng tôi ra án phải xử trượng rồi cho về quê quán"
Cha Minh biết mình phải đi đầy chứ không được phúc tử đạo thì an ủi các chức việc: “Xin anh em hãy chịu mọi sự khó vì danh đạo thánh Đức Chúa Trời. Anh em sẽ phải chịu đánh một trăm trượng rồi về quê. Còn như tôi thì phải đầy ra nơi xa lạ, tôi cũng vui lòng cho danh Chúa được rạng rỡ. Tôi có buồn một điều này mà thôi là làm chủ chăn mà con chiên không được nhờ sự săn sóc giúp đỡ dậy bảo nữa”. Ngoài ra Cha Minh còn viết thư cho Cha Borelle: “Thưa cha, con còn xin cha cầu nguyện cho con được vui lòng chịu mọi sự khó do Chúa gửi đến. Dù con phải lưu đầy thì con cũng vui lòng miễn là cha cầu nguyện cho con, xin Đức Chúa Trời giúp con thì mọi sự khó cũng trở nên sự tốt lành”.
Nhưng thánh ý Chúa lại định thể khác. Nội các xem án của các quan tỉnh Vĩnh Long thì không ưng, biện luận rằng: “Đạo trưởng ấy đã đi Tây từ thuở bé và lâu năm ăn học bên ấy nên đã thấm nhập với Tây, lại là đạo trưởng nên phải kể là Tây dương đạo trưởng. Vậy phải sửa án là trảm quyết quăng đầu xuống sông. Các quan đổi danh tính thành Phỉ Nhật”.
Bản án của triều đình về tới tỉnh Vĩnh Long tối thứ Bẩy 2-7 và sáng hôm sau, Chúa Nhật lễ kính Máu Thánh Chúa Giêsu, quan tổng đốc cho lệnh xử ngài. Quan giám sát thấy một người giáo dân thì bảo họ nếu muốn giữ máu thầy đạo thì phải lo liệu vải, bông cho gấp. Cha Minh có nhắn Cha chính Borelle lo liệu linh mục để giải tội cho cha và đồng thời trối trăn những lời sau cùng với ông trùm Lựu. Trước khi bị dẫn ra pháp trường, cha an ủi các quí chức còn bị giam: “Anh em yêu dấu, Thiên Chúa muốn tôi dâng sự sống cho Ngài để đạo thánh được rạng rỡ, tôi vui mừng vâng theo ý Chúa. Trước khi lìa xa anh em, tôi xin anh em dù phải khốn khổ thế nào mặc lòng hãy trung thành bền đỗ trong đức tin, trông cậy vào Chúa giúp sức thì Ngài chẳng bỏ anh em”. Cả nhà tù trở thành nhà đám, mọi người khóc lóc buồn phiền. Cha Minh lấy áo dài mặc vào và tay cầm tràng hạt đi theo quan lãnh binh Mô, nói lời cuối cùng với các chức việc đang khóc lóc: “Bấy lâu cha con ở chung với nhau, nay cha đi trước, anh em hãy ở hòa thuận và thương mến nhau”.
Ban đầu lý hình trói cha lại giơ cả ngực ra rất đau đớn khiến mọi người buồn tủi xin với quan cho nới giây vì thầy đạo vui lòng chịu chết đâu có trốn mà sợ. Trước hết họ dẫn Cha Minh ra trước mặt quan tổng đốc. Ông này truyền mang thẻ án ra cho Cha Minh coi, nhưng cha nói lại không cần phải coi vì mình sẵn lòng chịu chết đã lâu. Thẻ án viết như sau: “Vĩnh Thành thôn. Tả đạo giáo trưởng Phỉ Nhật bất khẳng quá khóa, luật hành trảm quyết, đầu trí vu hải, dĩ thị chúng. Tự Đức lục niên, ngũ ngoạt, nhị thập thất nhật”. Tức là cha bị xử chém, đầu ném xuống sông cho dân chúng phải sợ.
Cha đi chậm rãi giữa hai hàng lính mặc áo đỏ cầm gươm giáo khoảng sáu chục người. Đi trên cùng là người cầm thẻ án, ngay trước mặt cha là lý hình cầm gươm, và sau lưng cha một tên khác cũng cầm gươm và giây trói, sau cùng là quan giám sát Mô, ông hạp Diêu, ông hạp Chất, cả ba cỡi ngựa. Giáo dân và người ngoại đi theo sau rất đông, vì chưa có vụ xử đạo trưởng nào ở đây. Đoàn người đi từ cửa sau rồi đi vòng thành qua mặt tiền về phía sông Long Hồ. Qua khỏi sông quan thấy Cha Minh đã nhọc, mồ hôi ra nhiều vì lúc đó trời cũng đã gần trưa, liền cho lệnh nghỉ và dọn bữa sau cùng cho người tử tù. Cha Minh nói với quan giờ này là giờ cha phải lo việc riêng không còn cần ăn uống thức gì nữa. Quan giám sát bắt đi thật xa cho tới rạch Cái Sơn Bé, chỗ gọi là đình Khao mới cho lệnh dừng lại, trải chiếu ra cho vị anh hùng đức tin quì xuống để xử chém. Người lính trải hai tấm chiếu, ông xã Phương trải thêm một tấm chiếu bông và một tấm mền. Cha Minh bước vào quì ngay chính giữa. Cha xin nửa giờ cầu nguyện, trong khi đó xã Phương rắc bông do bà trùm Lựu mang theo chung quanh chỗ cha quì. Quan giám sát kêu mọi người ra xa rồi hỏi xã Phương:
“Phép nhà nước dậy quăng đầu xuống sông, các ông muốn chuộc bao nhiêu?”
Xã Phương thưa xin chuộc 3 quan tiền. Cả hai vị quan kia cũng ưng cho như vậy nên nói: “Chỉ vua dậy đầu phải buông sông, song để cho người ta chuộc làm phước”.
Cha Minh trối lại cỗ tràng hạt cho ông Phương, ông đến lấy và lạy cha, các bà đạo đức cũng đến lạy cha khóc lóc làm cho kẻ ngoại cũng như quan giám sát phải ứa lệ. Cha Minh cầu nguyện to tiếng: “Lạy Mẹ, xin cầu cho con trong giờ lâm chung nguy hiểm này. Lạy Chúa, xin thương đến con cùng. Xin Chúa ban cho con mạnh sức chịu cho sáng danh Chúa”.
Tên lý hình kê ván ngang vai để chặt xiềng, tên khác vấn tóc ngài lên đầu, một tên khác trói gô ngài lên. Trời đang nắng bỗng tối lại. Quan lấy làm lạ nhưng vẫn hô: “Tả đạo, hãy chém!” Chỉ một lát gươm, máu vị linh mục thánh thiện anh dũng được đổ ra hoà lẫn với máu Chúa Giêsu làm của lễ đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Hôm ấy là ngày 3-7-1853.
Lương cũng như giáo thi nhau thấm máu, bà trùm Lựu không cho khiến họ phải dành giật, mạnh ai người ấy lấy. Khi chuộc được đầu Cha Minh, các chức việc khâu lại mang xuống thuyền bỏ vào quan tài cùng với bông đã thấm máu và phủ chiếu lên đưa về Cái Nhum. Trong khi đó tại Cái Nhum có người thấy đám mây trắng ở trên trời thì hô to lên là trên tỉnh họ đã xử Cha Minh. Một lúc sau ghe chở xác Cha Minh cũng về tới. Ba cha: Gioan Thiềng, Phaolô Lượng, và Laurensô Lân, có mặt làm lễ an táng. Sau lễ họ lại âm thầm đem xác ngài về Cái Mơn. Nhưng đêm ấy dân ngoại đạo kháo nhau ra sông xem có đám tang lớn, đèn thắp sáng từ đầu ghe tới cuối ghe. Xác Cha Minh được chôn trong nền nhà thờ cũ của họ Cái Mơn. Chúa đã cho vị tử đạo tiên khởi làm nhiều dấu lạ và các dấu lạ thường là những đồ vật liên quan đến ngài bỗng dưng tỏa sáng lạ lùng.