“Anh em chớ đoán xét – để khỏi bị xét đoán”
Một lời dạy vô cùng quen thuộc của Đức Kitô, mà đã là người công giáo thì ai cũng biết.
Đoán và xét, nếu tách riêng hai từ này thì tùy theo mạch văn, mỗi từ trong cả hai đều có thể là một danh từ, nhưng cũng có thể là một động từ. Một cách nôm na bình dân có thể hiểu, đoán là ước đoán, là phỏng chừng, là không chắc chắn tuyệt đối. Xét là nhận xét, là quan sát, là kết luận. Vậy đoán xét là những kết luận được rút ra từ sự ước lượng phỏng chừng, nên tất nhiên, không thể có kết quả hoàn toàn và luôn luôn chính xác.
Dầu vậy, nếu thiếu khả năng nhận xét và đoán hiểu thì con người và các sinh vật sống không thể tồn tại. Con chim đã một lần bị mũi tên bắn phải, lần sau thấy cành cây cong cũng sợ, do đó mới có thành ngữ “kinh cung chi điểu”. Tất nhiên, đây chỉ là một ý nghĩa tượng trưng mang tính ước lệ, nhưng không vì thế mà mất đi chút giá trị nào. Còn hàng đống những ca dao tục ngữ nói lên các xét đoán qua kinh nghiệm dân gian, từ trong thiên nhiên, thú vật đến con người : "chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa". Nhưng thực tế đôi khi, đã có chớp đông nhay nháy, nhưng chờ đến gà gáy vẫn không có mưa. "Xem mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon". Nhưng có nhiều khi, lợn thì béo thật, nhưng là béo do mọng và giữ nước nên thịt đầy bã gạo, còn lòng thì đầy giun sán độc. Do đó, tiết canh lòng heo là một món mà nhiều người rất hảo, nhưng chỉ riêng những tay giết thịt heo thì lại thường rất kỵ vì chê là dơ bẩn và dễ bị nhiễm trùng. Họ chỉ ăn món này, khi chính tay họ làm thịt và biết rõ về con heo đó. "Những người thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con". Nếu hoàn toàn tin vào xét đoán này thì thật là vỡ nợ, vì biết bao đại mỹ nhân trong lịch sử chỉ mang lại những tai họa, dù cái tiêu chuẩn của các đại mỹ nhân này còn hơn cả thắt đáy lưng ong rất nhiều lần.
Dẫu thường có sai lầm như thế, nhưng xét đoán vẫn luôn là một thuộc tính bẩm sinh của con người, vì chính nhờ nó con người ngày một tiến bộ và thăng hoa. Nếu thiếu xét đoán, tôi có thể đón kẻ cướp vào nhà mà cứ tưởng đang đón nhận hiền nhân. Thiếu xét đoán, tôi sẽ nhìn ác quỷ ra thiên thần. Thiếu xét đoán, tôi rất có thể lầm lẫn biết bao điều trong đời sống, cả những lầm lẫn có thể dẫn chính tôi, hoặc các người thuộc trách nhiệm, mà Chúa đã giao cho tôi trông nom quản lý bị nguy hại hoặc tử vong. Những đoán xét ấy, có thể nhiều khi không chính xác hoàn toàn, nhưng lại rất cần thiết vì nhờ đó, tôi được an tâm và biết rõ mình đang làm chủ vận mệnh đời mình. Không thể đoán xét, nếu không biết suy luận. Không thể suy luận nếu không nhờ có trí khôn, trí biết. Mà trí khôn, trí hiểu đều do Chúa ban để nhờ đó, con người biết xét đoán. Vậy tại sao Chúa lại nói : Chớ đoán xét, để khỏi phải bị xét đoán (Mt7,1; Lc 6, 37 ). Một lời nói có vẻ trái tai, với nhiều mâu thuẫn và nghịch tự nhiên đến thế ??? Một lời nói thật khó hiểu.
Thực ra, lời dạy của Chúa không bao giờ là quá khó hiểu. Có khó hiểu chăng, chỉ vì có lúc tôi đã vận dụng lời Chúa theo nhu cầu của mình, để từ đó, gây ấm ức và thắc mắc khó hiểu cho nhiều người khác. Một minh họa nhỏ: Đời sống của tôi đôi khi đã có những lôi thôi, khiến kẻ khác phải xầm xì bàn tán. Vì thế, tôi thường phải dùng lá bùa chớ xét đoán để hóa giải tất cả. Tôi đã yếu đuối và thiếu khiêm tốn để chịu đựng, hoặc không đủ dũng cảm để thẳng thắn đối đầu, nên đã dùng lá bùa chớ xét đoán như một tấm chắn an toàn để che dấu.
Lời dạy của Chúa khi đó đã bị chặt cụt và bẻ cong. Vì bị chặt cụt nên đã thiếu câu tiếp theo: "vì anh em xét đoán thế nào thì cũng sẽ bị Thiên Chúa đoán xét như vậy; và anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy (Mt 7,1-2)". Như thế, rõ ràng, Chúa không cấm xét đoán nhưng đã khuyến khích tôi xét đoán đấy chứ, nhưng xét đoán theo cách của Ngài, một kiểu xét đoán đầy bao dung thương mến. Vì, tôi sẽ được hay bị Thiên Chúa xét xử, đều do chính cách xét đoán của tôi đối với người khác. Nói cách khác, tôi đang tự xây dựng đời mình bằng những chất liệu do chính tôi kiến tạo. Quảng đại vị tha hay hẹp hòi ích kỷ, khoan dung độ lượng hoặc bới lông tìm vết khi xét đoán người khác.
Xét đoán là một quà tặng quí giá của Thiên Chúa, nhưng món quà tặng ấy sẽ biến ngay thành gánh nặng đè bẹp trước tiên chính người có nó, nếu không biết sử dụng cho nên. Quà tặng hay gánh nặng, đều hoàn toàn do thái độ của mình tạo nên. Vì thế, Hồng Y Nguyễn văn Thuận đã viết đại ý rằng : “Có một sáng suốt đáng buồn, khi chỉ nhìn thấy những điều xấu nơi người khác. Cũng có một xét đoán đầy yêu thương, khi đã nhìn thấy những điểm sáng tốt đẹp, ngay từ nơi bóng tối những điều không tốt đẹp của anh em mình.”
Kết tội một tên ăn cắp là một điều dễ dàng, ai làm cũng được. Nhưng để hiểu rõ từ hoàn cảnh và nguyên nhân nào, đã khiến một người bình thường biến thành một kẻ cắp, thì không phải ai cũng làm và dễ dàng cảm thông được. Phải có một trái tim nhân hậu đích thực mới có được một xét đoán đầy yêu thương như thế.
Xét đoán rất gần với xét xử. Vì xét đoán là một khả năng trời ban tự nhiên như thế, nên mọi người thường có khuynh hướng tự phong để ngồi ghế Chánh án xét xử người khác. Tôi xét đoán người. Người xét đoán tôi. Mọi người xét đoán lẫn nhau; Khi ấy trần gian sẽ biến thành hỏa ngục. Hiểu rõ các tạo vật của mình, nên Chúa đã ngăn đe chớ xét xử và một khi có trách nhiệm và bổn phận đòi buộc phải xét xử, thì đã có một Kim chỉ Nam của bảng chỉ dẫn: Đong đấu nào sẽ nhận lại đấu nấy. Rồi nhớ lại câu đầu của Lời dạy: Chớ xét đoán để khỏi bị đoán xét. Quả thật, Lời Chúa mới nghe thì có vẻ nghịch lý chói tai, nhưng càng nghiệm càng thấy thật thâm sâu, vì những lời này đã thấu suốt mọi cõi lòng con người. Không ai muốn bị xét xử, và khi bị xét xử, ai cũng muốn được xét xử khoan dung thông cảm. Mà muốn được khoan dung thương xót, thì trước hết, chính mình cũng phải biết thương xót khoan dung.
***
Đọc Tam quốc, ai cũng nhớ đoạn một lần Tào tháo thua trận. Cùng một số tàn binh chạy đến một khu rừng vắng thì trời sập tối. Tào tháo và đám bại quân vừa đói lả vừà kiệt sức, tất cả lần theo ánh đèn đang leo lét phía xa xa, thì gặp được một nóc nhà. Sau nhiều đắn đo thận trọng, Tào Thừa tướng bèn trình bày hoàn cảnh thật của mình và xin được tá túc qua đêm. Gia chủ vui mừng và lấy làm vinh dự được đón tiếp, rồi sau đó, cùng gia đình dọn nơi cho Tháo và tùy tùng ngơi nghỉ.
Đang nghỉ ngơi Tháo chợt nghe: Trói nó lại. Tháo liền giật bắn cả người. Lại nghe tiếp: Giết nhỏ hay lớn. Có tiếng đáp lại: Giết lớn. Thế là Tháo lập tức vùng dậy và cùng với quân lính giết hết cả nhà gia chủ. Khi giết xong hết, mới té ngửa vì biết mình đã lầm lẫn ghê gớm. Thì ra, gia chủ đang cùng người nhà trói con heo lớn để giết thịt đãi khách, nhưng Tháo lại cho rằng, họ đang muốn trói và giết chính mình, nên đã ra tay trước. Một xét đoán sai lầm gây hậu quả kinh khủng.
Những ai thích đọc Hán – Sở tranh hùng, chắc đều còn nhớ chuyện một Pháp quan đã xử chặt chân một phạm nhân. Rồi thời thế thay đổi, giặc giã nổi lên chiếm luôn cả thành của Pháp quan nọ. Vị Pháp quan phải bỏ thành chạy trốn, nhưng lúc ấy mọi cửa thành đều đã đóng kín. Đang cơn nguy khốn, thì có một người giúp đỡ. Không quản hiểm nguy và bao nhiêu tai họa, người này đã đưa pháp quan về nhà và còn ân cần thù tiếp. Khi biết rõ người này là phạm nhân năm xưa mà mình đã xử tội chặt chân, vị pháp quan hỏi: “Tại sao anh không oán giận mà còn ân cần với tôi như thế?” Người nọ bèn trả lời: “Lúc đó, tôi biết ông rất thương tôi, muốn tìm cách giảm nhẹ và đã tìm hết cách gỡ tội cho tôi mà không được. Xử tội chặt chân tôi, nhưng ông rất đau lòng và chỉ làm theo phép nước. Tấm lòng của ông trong sáng và nhân từ đến thế, làm sao mà tôi oán giận cho được. Vì vậy, việc giúp đỡ ông trong lúc này là một chuyện tự nhiên, có gì đâu để ông nghĩ ngợi.“
Lòng nhân từ của một quan tòa đã tỏa sáng để cảm hóa tội nhân, lịch sử đã ghi lại những dòng thật đẹp và hết sức trong lành như thế.
***
Cũng đã có một phiên tòa nổi tiếng gồm đủ các chất Bi, Hài, Thương và đầy kịch tính cảm động. Phiên tòa đã được Thánh Kinh kể lại:
Vừa tảng sáng. Người trở lại đền thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và Pharisiêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang phạm tội ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: Thưa thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môisê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng chứng tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giêsu nói “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi! Chị cứ về đi và đừng phạm tội nữa.”
Trước mắt các thầy thông luật khi ấy, Đức Giêsu chỉ là một kẻ phá rối cần phải triệt hạ. Họ tự xem mình là các quan án đích thực và đã ngầm lên án Đức Giêsu rồi. Họ đang tìm mọi cách để ám hại Ngài, và đây chính là một cơ hội may mắn hiếm có. Trao quyền xử án cho Đức Giêsu, chỉ là một cách đưa cho Ngài sợi dây thòng lọng để Ngài sẽ bị treo cổ kết liễu đời mình. Một cái bẫy vô cùng hiểm độc nhưng đã được ngụy trang hết sức tự nhiên và đầy tinh vi.
Nhưng cuối cùng, mọi toan tính trong âm mưu của họ đã hoàn toàn thất bại. Cách xử lý của Đức Giêsu đã gây những bất ngờ mà các kinh sư và biệt phái không thể hình dung: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, bắt đầu từ người lớn tuổi.”
Tôi không lên án chị đâu. Chị hãy ra về , và từ nay đừng phạm tội nữa.
Câu nói với chị phụ nữ của Đức Giêsu lúc đó, đã giải phóng chị ngay lập tức. Chị đã được cứu sống, thay vì bị chết ném đá. Cái đám đông Biệt phái Kinh sư đã có dịp mở ra con mắt tâm hồn của mình, dù trong số đó, chắc chắn sẽ không thiếu những hậm hực và thất vọng, vì âm mưu và dự định của mình đã bị hoàn toàn phá sản và thất bại ê chề.
***
Tôi không lên án chị đâu.
Thầy Chí thánh của con ơi! giữa những ồn ào huyên náo trong chợ đời hôm nay, con e ngại rằng, lời của Thầy đang bị mờ nhạt chìm khuất rồi xem nhẹ lãng quên. Đang khi, những lời này chính là chiếc chìa khóa mở cửa hạnh phúc đích thực đời con. Hạnh phúc thật và hạnh phúc giả nhiều khi rất khó phân biệt, nên con thường bị lầm lẫn, như đã từng lầm lẫn nhiều lần trước đây trong quá khứ.
Tôi không lên án chị đâu. Chị hãy ra về, và từ nay đừng phạm tội nữa.
Lạy Chúa! Xin giúp con biết nắm lấy hạnh phúc thật để không xét đoán ai, dù chỉ là những xét đoán trong tâm tưởng mình. Và khi trách nhiệm buộc con phải làm nhiệm vụ xét đoán, xin hãy nhắc nhở, để con sẽ đoán xét đầy yêu thương như vị Pháp quan năm nào mà con đã được học biết. Amen.