Giáo lý viên là ai? (xem GLC từ số 425 đến số 429)
Giáo lý viên là những người giúp các linh mục dạy giáo lý trong các giáo xứ hoặc tại những nơi nào có nhu cầu. Giáo lý viên có thể là những tu sĩ, chủng sinh, ngày xưa là các thầy giảng như thầy Anrê Phú Yên chẳng hạn, nhưng hiện nay đa số là giáo dân. Con số hiện nay tại Việt Nam là 52.513 ( thống kê năm 2004 của HĐGMVN ).
Nhiệm vụ của giáo lý viên là dạy cho những người khác biết Chúa và giáo huấn của Chúa, biết Hội Thánh và giáo huấn của Hội Thánh, dĩ nhiên theo mức độ khả năng và sự hiểu biết của mình. Đây là một nhiệm vụ rất cao cả, thông phần sứ vụ tông đồ của Giáo hội, chia sẻ một phần chức năng giáo huấn của các giám mục là những kế vị các tông đồ.
Trọng tâm của việc huấn giáo hay dạy giáo lý là Chúa Kitô, tất cả những gì còn lại đều qui chiếu về Người. Mục tiêu của việc huấn giáo là làm cho người khác biết Chúa, tin Chúa, yêu Chúa và nên một với Chúa, để nên một với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Tác giả đích thực của huấn giáo cũng chính là Chúa Kitô, là Thầy chí thánh của chúng ta và tất cả mọi người.
Muốn giảng dạy về Chúa Kitô, trước hết hãy tìm mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Kitô, chấp nhận mất hết để có được Chúa Kitô và kết hợp với Người. Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết ( Pl 3, 10 ). Chính việc biết Chúa Kitô và lòng yêu mến Chúa khơi dậy ước vọng loan báo Chúa Kitô, nỗ lực phúc âm hoá xã hội và giúp mọi người tin vào Chúa, và đào sâu đức tin của chính mình.
Chúa Kitô mà chúng ta gặp gỡ tiếp xúc và loan báo là Chúa Kitô Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại. Đó là điều được thể hiện một cách đặc biệt mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ. Chúng ta không thấy Chúa bằng mắt phàm, không gặp Chúa bằng con người xác thịt, nhưng nhờ đức tin tựa vào dấu chỉ hữu hình của các bí tích. Chúa Kitô mà chúng ta chiêm ngắm hôm nay là Chúa Kitô Thánh Thể. Nhờ chiêm ngắm Chúa, chúng ta nhìn thấy Chúa Cha như Lời Chúa nói với Philíp Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha ( Ga 14, 9 ).
Mầu nhiệm Thánh Thể là nguồn suối và là đỉnh cao của mọi sinh hoạt Giáo Hội. Mọi sinh hoạt của người giáo lý viên đều phải bắt nguồn từ đó và hướng về đó. Trong thực tế, muốn là người giáo lý viên tốt, cần phải hiểu và sống Phụng Vụ, học hỏi về bí tích Thánh Thể, đưa mầu nhiệm Thánh Thể vào đời sống.
Đời sống và hoạt động của Giáo lý viên bắt nguồn từ Thánh Lễ:
Người giáo lý viên không dạy giáo lý trong thánh lễ, cũng không học giáo lý trong thánh lễ, nhưng đối với người giáo lý viên, tất cả đều bắt nguồn từ thánh lễ.
Thánh lễ là trọng tâm của đời sống người kitô hữu, phải là trọng tâm của đời sống mỗi người giáo lý viên. Thánh lễ là nơi và là lúc chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh trong lòng Giáo hội, để kết hợp với Chúa, nên một với Chúa, và nhờ đó nên một với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thánh lễ là nguồn vui cho cuộc đời của người kitô hữu, đặc biệt là của người giáo lý viên, vì mỗi lần cử hành Thánh Lễ, chúng ta cùng với Giáo hội đón Chúa Phục Sinh đến với chúng ta. Giáo hội là hôn thê, chắc chắn gặp được hôn phu, mỗi lần cử hành thánh lễ.
Người giáo lý viên thường xuyên nói về Chúa cho người khác, cho các em nhỏ, cho thanh thiếu niên, cho các dự tòng v.v…Và chúng ta không thể nói về Chúa, nếu chúng ta không có một chút kinh nghiệm tối thiểu về Chúa. Dĩ nhiên kinh nghiệm ấy không phải là kinh nghiệm theo kiểu thế gian, mà là kinh nghiệm đức tin, kinh nghiệm thiêng liêng. Nếu người giáo lý viên không gặp được Chúa, không thấy được Chúa bằng đức tin và lòng mến, thì làm sao có thể diễn tả về Chúa, về tình thương của Chúa, sự sống của Chúa, về niềm vui và sự bình an mà Chúa ban? Làm sao người giáo lý viên có thể mô tả Chúa Giêsu cho người khác, khi chưa bao giờ chiêm ngắm dung mạo Chúa?
Tất cả những điều đó, người giáo lý viên có thể thực hiện trong thánh lễ và nhờ thánh lễ. Chúa Thánh Thần và Giáo hội giúp người giáo lý viên đón Chúa, gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm được tình yêu của Chúa, kết hợp với Chúa, nên một với Chúa.
Khởi đầu, người giáo lý viên có thể kinh nghiệm về sự thống hối nhờ hoán cải ngay từ đầu thánh lễ. Sự hoán cải đưa chúng ta lại gần Chúa, vì tất cả chúng ta đều xa Chúa do tội lỗi; Chúa Thánh Thần tác động trên chúng ta, thanh tẩy và mở cửa tâm hồn ta. Chúa Thánh Thần đưa chúng ta trở về, chuẩn bị cho ta sẵn sàng đón Chúa Kitô Phục Sinh.
Chúa Kitô đến trước hết qua Lời Chúa được Giáo hội cùng với Chúa Thánh Thần công bố. Giáo hội loan báo Chúa Kitô trong phần Phụng vụ Lời Chúa. Người giáo lý viên đón Chúa qua việc chăm chỉ lắng nghe công bố và giảng giải Lời Chúa. Chúa đến với chúng ta như đã đến với các môn đệ Emmau và đích thân giải thích Lời Kinh Thánh cho các ông. Người giáo lý viên quen nghe Lời Chúa trong Phụng Vụ sẽ yêu quý Lời Chúa, trân trọng Lời Chúa, và không giải thích Lời Chúa tuỳ tiện, mà luôn tuân theo sự hướng dẫn của Giáo hội.
Khi lời truyền phép đã hoàn tất, chúng ta tin bánh và rượu đã trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Tất cả chúng ta đều thờ lạy Chúa, vì chúng ta tin bản thân Chúa hiện diện. Cùng với Giáo hội chúng ta tung hô: Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, tuyên xưng việc Chúa sống lại. Và đó cũng là nội dung chủ yếu của đức tin kitô giáo, đức tin tông rruyền, nội dung tóm gọn lời rao giảng của các tông đồ, nội dung của Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa và Chúa chúng ta.
Người giáo lý viên có kinh nghiệm về mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô mà Giáo hội cử hành, vì được thông phần mầu nhiệm Vượt Qua ấy, được nên một với Chúa Kitô Tử Nạn Phục Sinh, được cùng chết với Chúa Kitô và cùng sống lại với Người. Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa không chỉ được nhắc lại như một quá khứ, mà được hiện tại hoá, trở thành hiện thực để chúng ta thông phần. Và đó vừa là nguồn suối, vừa là đỉnh cao của mọi sinh hoạt Giáo hội, vì là đỉnh cao của lịch sử cứu độ. Chúng ta vừa đón Chúa, vừa cùng đi với Chúa, vì được thông phần mầu nhiệm Vượt Qua là sự ra đi của Chúa về cùng Chúa Cha.
Sau đó người giáo lý viên cùng với mọi người rước Chúa trong phần hiệp lễ, đón tiếp Chúa vào trong tâm hồn, kinh nghiệm được sự kết hợp với Chúa, nên một với Chúa, và cùng với Chúa và trong Chúa nên một với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người giáo lý viên có kinh nghiệm đức tin về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, về tình yêu Ba Ngôi. Mầu nhiệm mà lý trí chúng ta không hiểu thấu, nhưng chúng ta biết bằng đức tin, khi rước Chúa và kết hợp với Người. Giáo lý viên cũng kinh nghiệm được thế nào là ăn Chúa, với lòng tin Chúa là lương thực Chúa Cha ban, Chúa là Bánh Sự Sống, là Bánh trường sinh.
Cuộc sống và sinh hoạt của Giáo lý viên hướng về Thánh lễ:
Mọi sự bắt nguồn từ Thánh lễ, thì mọi sự cũng đều hướng về Thánh lễ, vì Thánh lễ là đỉnh cao của đời sống và sinh hoạt của Giáo hội. Các công việc mục vụ của Giáo hội rất nhiều và đa dạng, nhưng điều chủ yếu là rao giảng Tin mừng, mà mục đích của việc rao giảng tin mừng là làm cho người khác biết Chúa, tin Chúa và yêu Chúa. Chính vì thế mà Thánh lễ là mục tiêu của mọi sinh hoạt Giáo hội, chính trong Thánh lễ Giáo hội và mọi người chúng ta được gặp Chúa. Cử hành mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của Chúa là mầu nhiệm cứu độ chúng ta, chúng ta được thông phần Bánh Sự Sống và Chén Cứu Độ
Người giáo lý viên là người được kêu gọi và tuyển chọn để thông phần việc rao giảng tin mừng của Giáo hội, phải coi thánh lễ là mục tiêu của đời sống cũng như mọi sinh hoạt tông đồ của mình. Người giáo lý viên đạo đức yêu mến Thánh lễ, tâm hồn lúc nào cũng hướng về thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ ngày Chúa Nhật, là ngày mọi người có đạo tụ họp đón mừng Chúa Phục Sinh. Chúa Nhật là Ngày của Chúa, mọi người đều hân hoan hướng về ngày đó.
Đời sống cầu nguyện của người giáo lý viên lúc nào cũng hướng tới sự kết hợp trọn vẹn nhất với Chúa Kitô trong mầu nhiệm Thánh Thể. Mỗi lần cầu nguyện sốt sắng đều là hiệp thông thiêng liêng với Chúa trong Chúa Thánh Thần, do đó hướng về mầu nhiệm Thánh Thể, đỉnh cao của hiệp thông Giáo hội, nơi mọi người được hiệp thông với Chúa và hiệp thông với nhau.
Cụ thể người giáo lý viên hướng tới thánh lễ ngày hôm sau hay thánh lễ Chúa Nhật, khi đọc và suy gẫm từ tối hôm trước bài đọc hay tin mừng của ngày hôm sau. Người giáo lý viên tập kết hợp với Chúa khi đọc kinh thánh, và như vậy đã là đón Chúa một cách thiêng liêng trong lòng như Mẹ Maria đã cưu mang Ngôi Lời trong tâm hồn, trước khi cưu mang Người trong thân xác. Người giáo lý viên tập đọc Lời Chúa và thực thi Lời Chúa hằng ngày, và sẽ ở trong tư thế sẵn sàng lắng nghe Giáo hội công bố Lời Chúa trong Thánh lễ.
Những điều giáo lý viên dạy cho các em về Chúa cũng chuẩn bị tâm hồn cho người ấy gặp Chúa trong Thánh lễ. Trước khi nói với các em về Chúa, người giáo lý viên phải để dành chút thì giờ nói chuyện với Chúa. Vì chỉ những ai có nói với Chúa, thì mới có chút kinh nghiệm về Chúa để nói về Chúa một cách sốt sắng và xác tín, chứ không phải một mớ lý thuyết khô khan trừu tượng . Người giáo lý viên còn tập cho các em cầu nguyện, nói với Chúa, và không ngừng hướng các em về hiệp thông Thánh thể, hướng lòng các em tới thánh lễ, nhất là Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Làm thế nào để cho mỗi em học giáo lý đều háo hức mong tới ngày Chúa Nhật, để cùng mọi người mừøng Chúa Phục sinh.
Để chuẩn bị Thánh lễ cho thật tốt, người giáo lý viên nên học hỏi về Phụng vụ, biết ý nghĩa của Phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ, biết cách cử hành tích cực và sống động, cử hành đúng quy luật Phụng vụ. Người giáo lý viên yêu mến Phụng vụ, vì nhờ Phụng vụ mà họ có thể gặp Chúa Kitô và chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa. Giáo lý viên còn hướng dẫn các em tham dự thánh lễ sốt sắng, và mang lại ơn ích cho từng người.
Người giáo lý viên học dâng lễ, dâng Chúa Giêsu lên cho Thiên Chúa. Điều đó thật là lớn lao và kỳ diệu, chỉ có thể hiểu được bằng đức tin. Càng tin mạnh mẽ, chúng ta càng phấn khởi khi dâng Chúa Giêsu lên cho Thiên Chúa. Giáo lý viên còn tập hiến dâng đời mình, cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, làm của lễ duy nhất dâng lên Chúa Cha. Hướng mọi lao nhọc và vất vã trong cuộc sống thường nhật, tới sự kết hợp với hy tế của Chúa Giêsu trên bàn thờ. Người giáo lý viên tập sự tự hiến hằng ngày như Chúa Giêsu tự hiến mình cho Chúa Cha làm của lễ và tự hiến cho nhân loại làm của ăn.
Người giáo lý viên đưa đạo vào đời:
Đa số các giáo lý viên là giáo dân, sống giữa lòng đời, có cuộc sống không giống như linh mục tu sĩ. Như mọi giáo dân khác, người giáo lý viên được mời gọi thánh hiến thế gian, làm chứng cho Chúa giữa lòng đời. Cương vị giáo lý viên là cơ hội tốt để thi hành sứ vụ của người kitô hữu, môn đệ của Chúa Giêsu là rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa.
Cuộc sống lao nhọc vất vã của người giáo lý viên là chất liệu cho của lễ hiến dâng trên bàn thờ cùng với Chúa Giêsu. Trong cuộc sống đời thường người giáo lý viên không ngừng hy sinh bản thân, vì gia đình, vì người yêu, vì công việc, vì người nghèo. Bất cứ công việc gì hay khó khăn nào trong cuộc sống đều có thể trở thành cơ hội nên thánh cho người giáo lý viên, cơ hội để kết hợp với Chúa Kitô tử nạn phục sinh.
Giáo lý viên còn có thể chia sẻ thì giờ, của cải tinh thần và vật chất cho tha nhân, để tha nhân được thưởng nếm sự sống viên mãn mà Chúa Kitô đưa đến cho con người. Giáo lý viên không những tham dự lễ bẻ bánh ở nhà thờ, mà còn thực sự bẻ bánh của mình chia cho người khác, chia cơm sẻ áo cho người nghèo, thậm chí còn bẻ cuộc đời của mình ra từng mảnh cho người ta ăn. Người giáo lý viên trở thành lương thực như Chúa Giêsu đã trở thành lương thực cho loài người. Có những trường hợp giáo lý viên va chạm với những thực tế khó khăn cho đời sống đạo, đến mức độ đòi hỏi hy sinh mạng sống, hy sinh chính mình, hy sinh tất cả cho Chúa và vì Chúa, cho tha nhân và vì tha nhân.
Người giáo lý viên đón nhận tất cả những gì mà Chúa Kitô Thánh Thể đòi hỏi , chờ đợi nơi người môn đệ Chúa yêu. Giáo lý viên cũng thực tập tạ ơn Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho là chính Đức Giêsu Kitô mà chúng ta đón nhận hằng ngày từ Thiên Chúa, tạ ơn vì Thần Khí mà Thiên Chúa ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, và vì muôn vàn ơn lành khác mà Thiên Chúa không ngừng ban cho ta. Giáo lý viên không những tạ ơn trong thánh lễ mà còn biến đời sống thành lời tạ ơn.
Vài điều khuyên thực tế:
Để thánh lễ trở nên trọng tâm đời sống và sinh hoạt của người giáo lý viên, và để có được những kinh nghiệm sâu thẳm trong các buổi cử hành phụng vụ, hãy để dành thì giờ viếng Chúa , gặp gỡ riêng với Chúa, thân mật với Chúa. Điều thứ hai là phải suy niệm và học hỏi kỷ lưỡng một số đoạn kinh thánh liên quan đến bí tích Thánh Thể, như đoạn 6 tin mừng Gioan về Bánh Sự Sống, các đoạn tường thuật việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể, các phép lạ hoá bánh ra nhiều, đoạn Cây Nho và cành nho trong tin mừng Gioan ( Ga 15,1-8). Nếu hoàn cảnh cho phép, người giáo lý viên nên hợp tác tích cực với cha xứ, để việc tổ chức phụng vụ thánh lễ được chu đáo, nhất là thánh lễ ngày Chúa Nhật. Chính công việc chuẩn bị này giúp người giáo lý viên thêm lòng yêu mến Thánh lễ, hiểu sâu hơn về mầu nhiệm Thánh Thể.
Đức Cha Phaolô BÙI VĂN ĐỌC