Photobucket

Đời Sống Tâm Linh của Giáo Lý Viên



Hình ảnh về những người được gọi là thầy, là sư phụ rất khác biệt giữa đông phương với tây phương. Tại đông phương, thầy dạy không chỉ là người trao cho học trò mớ kiến thức, nhưng là trao cả nếp sống đạo đức và nhân bản của mình. Đó cũng là hình ảnh thích hợp với vai trò của giáo lý viên. Tuy nhiên, giáo lý viên còn phải vươn cao hơn thế nữa vì lý tưởng của họ là chia sẻ chính đời sống đức tin của mình cho các học trò lớp giáo lý. Vậy đâu là mức độ vươn cao nếu không phải là đến với chính Đức Ki-tô, Thầy dạy duy nhất 1 (x. Mt 23:8)?

Dạy giáo lý là giúp cho người học được luôn luôn trưởng thành hơn trong đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, biết và yêu mến Người sâu xa hơn, đồng thời vững lòng dấn thân để theo Người 2. Đối tượng của việc dạy giáo lý là sự kết hiệp với Đức Ki-tô. Giáo lý giúp học sinh đi vào mầu nhiệm Đức Ki-tô, gặp gỡ Người để nhờ đó tìm ra ý nghĩa cuộc sống của mình 3. Đối tượng đức tin ấy chỉ có thể được giảng dạy một phần nhỏ nào thôi, nhưng nó cần được chia sẻ cho học sinh bằng một phương thức khác, đó là truyền lại (to hand on), tức trao cho các em điều chính giáo lý viên đã lãnh nhận 4. Làm sao họ có thể trao ban những gì mình chưa lãnh nhận? Do đó, trước hết giáo lý viên cần có một đời sống đức tin phong phú để chia sẻ với các em. Nhận thức tầm quan trọng của đời sống tâm linh, tài liệu Danh bạ quốc gia về Huấn giáo (National Directory for Catechesis)5 của Hội Đồng Giám mục Công giáo Hoa-kỳ đã không ngần ngại đặt việc đào tạo đời sống thiêng liêng của giáo lý viên lên hàng đầu, trước cả việc huấn luyện về kiến thức giáo lý và phương pháp giáo lý. 6

Đào tạo đời sống tâm linh không thể đem một khuôn mẫu cứng ngắc và không thay đổi để áp dụng cho mọi người như nhau, nhưng còn tùy thuộc hoàn cảnh, mẫu người và khả năng ý chí của họ. Tuy nhiên khi nói về nhu cầu đào tạo đời sống tâm linh, tài liệu NDC nhìn tiến trình đào tạo dưới hai giai đoạn: khởi đầu và tiếp tục. Chúng tôi cũng dựa trên tài liệu và cách nhìn ấy để chia sẻ về sự cần thiết phải đào tạo và bồi dưỡng đời sống tâm linh của giáo lý viên. Do đó, giới hạn của bài chia sẻ này không nói về bản chất và nội dung của đời sống tâm linh là gì, nhưng về sự cần thiết của đời sống đức tin và một số những sinh hoạt đạo đức chính giúp giáo lý viên phát triển đời sống đức tin của họ.

1. Đào tạo đời sống tâm linh là một nhu cầu

Giáo lý viên thường là những người tình nguyện dấn thân phục vụ Chúa và anh chị em trong một sứ mệnh đặc biệt của việc rao giảng Tin Mừng. Khởi đầu của rao giảng Tin Mừng là để giúp người ta trở về với Đức Ki-tô, giáo dục họ trong đức tin và tháp nhập họ vào đời sống cộng đồng Ki-tô. Tiếp nối của rao giảng Tin Mừng nhằm giúp những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội hoặc cả ba bí tích khai tâm được trưởng thành trong đức tin của mình. Do đó, nếu huấn giáo (catechesis) là sứ vụ của Giáo Hội giúp người ta khởi sự trở về với Đức Ki-tô và tiếp tục lớn lên trong đức tin vào Đức Ki-tô, thì học sinh giáo lý cũng phải là đối tượng của việc rao giảng Tin Mừng, vì các em tất cả đều cần được giúp đỡ để lớn lên trong đức tin.

Tham dự sứ vụ huấn giáo đòi hỏi giáo lý viên được chuẩn bị sẵn sàng, cũng giống như để được tuyển chọn thi hành chức vụ linh mục, chủng sinh phải được huấn luyện đầy đủ. So sánh với việc đào tạo kiến thức và sư phạm giáo lý, đào tạo đời sống tâm linh rất khác biệt, vì nó không chỉ nằm ở bình diện trí óc hiểu biết, nhưng đi vào chiều sâu của trái tim và ý chí con người. Giáo lý viên có thể lấy những tín chỉ hoặc chứng chỉ tu nghiệp sau khi tham dự những khóa thần học hoặc sư phạm giáo lý. Nhưng chẳng ai có thể cấp chứng chỉ về đời sống nội tâm cho một giáo lý viên sau khi họ tham dự một khóa tĩnh tâm cả! Đời sống nội tâm hoặc quan hệ cá nhân giữa giáo lý viên với Đức Ki-tô không thể đo lường bằng chứng chỉ, thước tấc hoặc nhiệt độ, nhưng là một quan hệ sống động, có thể thay đổi, lên xuống, xa gần từng giây từng phút. Chỉ cá nhân người ấy và Chúa mới là những nhân vật chính làm cho đời sống nội tâm được phát triển. Còn những người khác hoặc sách vở đóng vai trò phụ thuộc.

Tuy nhiên cũng có một số dấu hiệu nền tảng cho chúng ta biết mức độ tối thiểu của đời sống nội tâm. Đối với tín hữu được gọi là có sống đạo (practicing catholic), đời sống nội tâm được nhận thấy qua việc họ chu toàn bổn phận người Công giáo khi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật... Nhưng đối với một giáo lý viên, đời sống nội tâm phải ở mức độ cao hơn thế, vì nguyên việc dấn thân phục vụ trong sứ mệnh huấn giáo đã là dấu hiệu cho thấy người ấy muốn làm một cái gì hơn mức độ bình thường. Do đó "cái gì hơn mức độ bình thường" đòi hỏi giáo lý viên cũng phải đào tạo đời sống nội tâm của họ hơn mức độ đời sống nội tâm của một người Công giáo bình thường.

Sự phân tích này hé mở cho ta nhận thấy việc đào tạo đời sống tâm linh của giáo lý viên là một tiến trình, khởi đầu từ một mức độ tối thiểu và tiếp tục phát triển mỗi ngày một hơn trong khi họ thi hành sứ vụ huấn giáo. Tài liệu NDC cho chúng ta một hình ảnh rõ ràng về đời sống tâm linh của giáo lý viên:

"Cũng như mọi tín hữu khác, giáo lý viên được mời gọi nên thánh. Tuy nhiên, vì tác vụ và sứ mệnh của họ, lời kêu gọi nên thánh mang tính cách cấp thời đặc biệt. Đời sống thiêng liêng của một giáo lý viên phải được thể hiện qua những điểm sau đây:

  • Có lòng yêu mến Chúa - Cha, Con và Thánh Thần - và yêu mến Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng và dân thánh Chúa
  • Có đời sống nhất thống và đáng tin cậy được biểu lộ qua việc trung thành sống tinh thần đức tin, cậy, mến, can đảm và vui mừng
  • Cầu nguyện và dấn thân cho sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội
  • Lòng nhiệt thành truyền giáo giúp họ hoàn toàn xác tín chân lý của đức tin Công giáo và hăng say rao giảng chân lý ấy
  • Tích cực tham gia cộng đoàn giáo xứ địa phương, nhất là tham dự Thánh lễ Chúa Nhật
  • Có lòng sùng kính Mẹ Ma-ri-a, vị môn đệ tiên khởi và mẫu gương của giáo lý viên, và lòng tôn thờ Thánh Thể là nguồn lương thực của giáo lý viên.

[Xem Congregation for the Evangelization of People, Guide for Catechists (Washington, D.C.: USCCB, 1993), nos. 7-10]." 7

Khi mô tả đời sống thiêng liêng của giáo lý viên như trên, các Giám mục Hoa-kỳ muốn nói lên mối tương quan giữa đời sống nội tâm và việc thi hành sứ vụ huấn giáo. Đời sống thiêng liêng là cần thiết vì nó cung cấp cho giáo lý viên sức sống, lòng nhiệt thành và sự tích cực, tức là cái tâm, cái hồn của người tông đồ. Đời sống thiêng liêng đem lại cho giáo lý viên những điểm tựa chắc chắn để họ chu toàn sứ mệnh: lòng yêu mến, cầu nguyện, sống các nhân đức, tinh thần truyền giáo, theo gương Mẹ Ma-ri-a và sống nhờ lương thực Thánh Thể.

Cái nhìn về đời sống thiêng liêng ấy cũng khiến cho giáo lý viên phải băn khoăn tự hỏi: Vậy thì tôi có được đời sống thiêng liêng như thế không? Nó có đủ ít ra ở mức độ tối thiểu để tôi bắt đầu thi hành sứ vụ huấn giáo không? Tôi phải làm gì để tiếp tục đào tạo đời sống thiêng liêng của tôi hầu giúp cho sứ vụ huấn giáo mang lại kết quả tốt đẹp hơn, tức là giúp tôi chia sẻ dồi dào hơn với học sinh những gì tôi đã lãnh nhận được từ nơi Chúa?

2. Đào tạo khởi đầu (Initial formation) cho đời sống tâm linh của giáo lý viên

Trước khi dấn thân lãnh nhận sứ vụ huấn giáo (dạy giáo lý), giáo lý viên cần được chuẩn bị về ba phương diện cần thiết: đời sống tâm linh, kiến thức giáo lý và khả năng trình bày giáo lý hoặc phương pháp giáo lý. Về đào tạo kiến thức và phương pháp giáo lý, những vị hữu trách như cha quản nhiệm, giám đốc chương trình giáo lý, có thể giúp giáo lý viên tham dự những khóa huấn luyện do giáo phận hoặc giáo xứ tổ chức. Còn đào tạo đời sống tâm linh là cả một vấn đề. Làm thế nào lựa chọn một chương trình huấn luyện thích hợp cho mọi người? Hầu như khó có thể làm được điều này. Tuy nhiên, những vị hữu trách, nhất là cha quản nhiệm, là những người mời giáo lý viên tham gia sứ vụ huấn giáo hẳn sẽ nhận định được một phần nào mức độ cần thiết phải đào tạo đời sống tâm linh cho họ, bởi vì "trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc đào tạo khởi đầu cho những giáo lý viên mới 'không được lơ là hoặc để mặc cho những ứng viên dạy giáo lý phải làm lấy một mình' (Guide for Catechists, no. 28)" 8.

Vì thế, tài liệu NDC đã đề ra những tiêu chuẩn chính cho việc đào tạo khởi đầu như sau.

"Việc đào tạo khởi đầu dành cho những giáo lý viên mới cần phải:

  • Giúp họ mở mang tầm hiểu biết về bản chất và những mục đích của việc huấn giáo
  • Giúp họ làm quen với những nguồn liệu họ sẽ sử dụng
  • Minh định cho giáo lý viên biết họ phải là người Công giáo sống gương mẫu đạo đức Ki-tô và làm một chứng nhân can đảm cho đức tin Công giáo
  • Giúp giáo lý viên có được sự đào tạo kỹ lưỡng để hiểu biết và sống đức tin Công giáo, giúp họ ý thức những hoàn cảnh xã hội, văn hóa, chủng tộc, thống kê dân số và tôn giáo của những người họ sẽ phục vụ, để giáo lý viên có thể đem sứ điệp Tin Mừng đến cho những người ấy
  • Khuyến khích và nâng đỡ những giáo lý viên mới để họ nhận ra tầm quan trọng của việc tiếp tục học hỏi, nhất là trong lãnh vực Kinh Thánh và dạy giáo lý
  • Hướng dẫn giáo lý viên mới biết tập cầu nguyện hằng ngày sâu xa hơn
  • Tôn trọng thời giờ giới hạn của giáo lý viên mới không thể phù hợp với việc đào tạo đầy đủ
  • Phát triển những đức tính nhân bản, thiêng liêng và tông đồ của giáo lý viên mới
  • Cổ võ một cuộc đối thoại liên tục trong cầu nguyện giữa giáo lý viên mới và Chúa, đồng thời cũng cổ võ một cảm thông cởi mở giữa giáo lý viên, những người huấn luyện và giáo hội địa phương
  • Khích lệ những giáo lý viên mới để ý tìm kiếm một vị linh hướng là điều lý tưởng giúp họ thăng tiến trong sứ vụ
  • Luôn trung thành ở trong những giới hạn của cộng đồng đức tin là nơi diễn ra tất cả nền giáo dục đích thực của các tông đồ."9

Đó là tổng quát việc đào tạo khởi đầu cho giáo lý viên mới, được tài liệu NDC trình bày. Nhìn qua, chúng ta nhận thấy một số điểm đề cập đến việc đào tạo kiến thức, tinh thần, tâm lý và xã hội, còn tất cả những điểm khác đều liên hệ tới việc đào tạo đời sống tâm linh. Tuy nhiên trong số những điểm sau này lại có một số điểm đặc biệt nói lên đời sống tâm linh của giáo lý viên, đó là:

  • cầu nguyện hằng ngày sâu xa hơn;
  • liên tục đối thoại với Chúa trong cầu nguyện; và
  • gặp linh hướng.

Vậy đây chính là những phạm vi đào tạo để giáo lý viên phát triển đời sống tâm linh như đã được mô tả là nguồn suối sức mạnh nâng đỡ họ trong sứ vụ. Trong lãnh vực cầu nguyện, giáo lý viên sẽ tự học hoặc với sự giúp đỡ của người khác để học cầu nguyện, sao cho việc cầu nguyện đạt tới mức độ "hằng ngày" và "sâu xa hơn." Nghĩa là giáo lý viên phải tập luyện làm sao cho việc cầu nguyện của họ trở thành một sinh hoạt cốt yếu trong đời sống hằng ngày tựa như ăn uống mỗi ngày cho đủ, và được trưởng thành sâu sắc tựa như lương thực dồi dào chất dinh dưỡng.

Lãnh vực thứ hai là cuộc đối thoại liên tục với Chúa trong cầu nguyện. Đối thoại liên tục không có nghĩa là lúc nào cũng phải nói phải nghe, nhưng là sự hiệp nhất và thông đạt giữa hai người. Cầu nguyện đưa chúng ta đến sống cuộc đối thoại liên tục với Chúa, tức là sống mối quan hệ mật thiết với Chúa. Khi sống mối quan hệ này, giáo lý viên có môi trường để luôn tìm thấy ý Chúa, nói với Chúa những ưu tư cũng như vui mừng khi họ thi hành sứ vụ, làm gạch nối giữa các học sinh với Chúa...

Lãnh vực thứ ba, gặp gỡ vị linh hướng, có thể là một điều mới lạ đối với giáo lý viên mới. Điều mới lạ, nhưng cũng rất cần thiết, vì linh hướng sẽ là người bạn đồng hành sát cánh nhất của giáo lý viên trên bước đường trau dồi và phát triển đời sống thiêng liêng. Vị linh hướng không cần thiết phải là một giáo sư tu đức, nhưng đúng hơn là một người bạn biết cảm thông, nâng đỡ, lắng nghe, nhất là đối với một giáo lý viên mới có lẽ chưa bao giờ nghiêm túc tập tành trong đời sống thiêng liêng và cần rất nhiều chia sẻ của một người dày kinh nghiệm.

3. Đào tạo tiếp tục (Ongoing formation) cho đời sống tâm linh của giáo lý viên

Trong phần trình bày về đào tạo tiếp tục cho giáo lý viên, tài liệu NDC đi vào từng lãnh vực riêng biệt, như nhân bản, tâm linh, trí tuệ, làm nhân chứng và thống nhất cuộc sống. Lý do tại sao chia ra những lãnh vực riêng biệt có lẽ nhằm giúp cho giáo lý viên, sau một thời gian dấn thân thi hành sứ vụ huấn giáo và với ít kinh nghiệm, có thể nhìn vào từng lãnh vực để dễ nhận ra mình cần phải trau dồi và phát triển thêm những gì. Ở đây, chúng ta chỉ dừng lại ở lãnh vực thiêng liêng, tức là tiếp tục đào tạo đời sống tâm linh. Tài liệu Danh bạ quốc gia về Huấn giáo viết: "Trên bình diện thiêng liêng, việc đào tạo tiếp tục dành cho giáo lý viên cần phải:

  • Giúp họ thăng tiến đời sống thiêng liêng - tức là kết hiệp trong đức tin và mến với con người Đức Giêsu Ki-tô - bằng cách hết sức cổ võ họ hãy sống bí tích và cầu nguyện, nhất là qua việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể và Hòa giải, đọc các Giờ kinh Phụng vụ Sáng và Chiều để kết hiệp với toàn thể Giáo Hội, suy niệm hằng ngày, làm việc tôn sùng Đức Mẹ, tham gia những nhóm cầu nguyện, những ngày canh tân và những buổi tĩnh tâm
  • Khích lệ họ gặp linh hướng
  • Giúp họ nhận ra việc phát triển đời sống thiêng liêng của mình cần phải chủ yếu gắn bó với đời sống của Giáo Hội."10

Nền tảng đời sống tâm linh của giáo lý viên là lòng yêu mến, cầu nguyện, sống các nhân đức, tinh thần truyền giáo, noi gương Mẹ Ma-ri-a và sống nhờ lương thực Thánh Thể. Tuy nhiên để đời sống đó được triển nở, chúng ta cần phải đi theo một đường hướng thích hợp. Đường hướng đó lấy Đức Ki-tô làm tâm điểm. Tài liệu NDC đã mạnh dạn coi việc thăng tiến đời sống tâm linh như là việc kết hiệp với Đức Giê-su Ki-tô trong đức tin và đức mến. Nói khác đi, càng kết hiệp với Đức Ki-tô bao nhiêu thì đời sống tâm linh của giáo lý viên càng thăng tiến bấy nhiêu. Chính Chúa Giê-su cũng đã khẳng định:

"Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào."11 Như vậy, nếu giáo lý viên càng mở lòng cho Chúa Giê-su đến với mình, tức là họ càng kết hiệp với Người bao nhiêu, thì đời sống tâm linh của họ càng được phong phú bấy nhiêu.

Kết hiệp bằng cách nào? Có thật nhiều con đường đưa chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giê-su. Tài liệu NDC kể ra những phương tiện chính như lãnh nhận bí tích, đọc Giờ kinh Phụng vụ, suy gẫm hằng ngày, làm việc kính Đức Mẹ... Chúng ta không dừng lại ở phương tiện, nhưng nhờ phương tiện để đi đến mục đích là Đức Ki-tô, mục đích đã được thánh Phao-lô Tông đồ định nghĩa: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi"12, hoặc cách mạnh mẽ hơn: "Với tôi, sống là Đức Ki-tô"13.

Vấn đề gặp linh hướng được nhắc lại ở đây hẳn phải có lý do. Nhiệm vụ của linh hướng là đồng hành, chứ không phải là người quyết định thay cho giáo lý viên phải làm điều này điều nọ. Công việc tông đồ là dạy giáo lý thì rõ ràng rồi, nhưng con đường làm việc tông đồ phục vụ thì còn dài và luôn có những khó khăn phải đối phó. Vì thế trên con đường ấy giáo lý viên cần có người đồng hành nâng đỡ. Các giáo lý viên khác có thể chỉ là những người bạn, nhưng nhiều khi không thể làm vị linh hướng cho mình. Do đó cần người có khả năng chuyên môn để chia sẻ với những vui buồn của giáo lý viên.

Điểm thứ ba được nêu lên soi sáng một khía cạnh rất đặc biệt của việc phát triển đời sống tâm linh, đó là giáo lý viên phải nhận ra "việc phát triển đời sống thiêng liêng của mình cần phải chủ yếu gắn bó với đời sống của Giáo Hội". Tại sao đời sống thiêng liêng của họ lại phải gắn bó với đời sống của Giáo Hội? Bởi vì họ là một chi thể trong Nhiệm thể Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô đã nhắc đến những người có trách nhiệm huấn giáo trong Giáo Hội: "Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng..."14 Các thầy dạy được hiểu là những người có trách nhiệm dạy dỗ, không hẳn chỉ là giám mục hay các linh mục, nhưng là các giáo lý viên nữa. Sự sống thiêng liêng từ Đức Ki-tô là Đầu Nhiệm thể được chu lưu trong thân thể, đến với từng chi thể, tựa như nhựa sống chuyển từ cây nho sang các cành nho 15. Cành nho chỉ có thể lớn lên và sinh hoa trái nếu kết hiệp với cây nho. Cũng thế, đời sống tâm linh của giáo lý viên chỉ phát triển được khi nó gắn bó với đời sống của Giáo Hội mà thôi. Việc gắn bó này còn nói lên một hình ảnh đẹp và sống động là khi dạy giáo lý cho học sinh, giáo lý viên đã làm công việc thông truyền sự sống của Chúa Ki-tô cho các em.

4. Đời sống tâm linh của giáo lý viên phải là chứng từ (witness) cho các em

Giáo lý viên là người xả thân cho công việc của Chúa và Giáo Hội. Cuộc sống của họ phản ảnh chính cuộc sống của Đức Ki-tô, Giáo lý viên tiên khởi và gương mẫu 16. Chúa Giê-su không chỉ là Thầy, nhưng còn là Bạn của các môn đệ Người. Cung cách dạy dỗ của Đức Ki-tô nói lên đặc tính chia sẻ. Những gì Người lãnh nhận từ Chúa Cha, Người đã chuyển lại cho các môn đệ 17. Không phải là chia sẻ một mớ lý thuyết, nhưng là chia sẻ cả một cuộc sống, cả một con người vì lòng yêu thương. Người không chỉ là Lời của Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn là Lời hóa nên người phàm. Người dạy những gì Người đã thực sự sống. Đời sống tâm linh của Đức Ki-tô đã thể hiện qua những lời giảng dạy, nhưng nhất là qua lối sống của Người. Đi bên cạnh Chúa, các môn đệ không hiểu ý nghĩa những điều Người giảng dạy cho bằng thấy ý nghĩa những việc Người làm. Trước khi Người dạy họ cầu nguyện, Đức Ki-tô đã sống đời cầu nguyện. Trước khi dạy họ lòng thương xót, Đức Ki-tô đã biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa qua những gì Người làm cho dân chúng "đang lầm than vất vưởng như đàn chiên không người chăn dắt." Qua Giáo lý viên tiên khởi là Đức Ki-tô, các môn đệ và dân chúng nhận ra được mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người, nhất là mối quan tâm của Thiên Chúa đối với tương lai vĩnh cửu của con người.

Động lực nào đã thúc đẩy Đức Ki-tô chia sẻ chính cuộc sống mình khi Người thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng? Đó là vì Người muốn thực thi thánh ý Chúa Cha và đặt mình trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh ý Chúa Cha là lương thực của Người. Thần Khí Thiên Chúa đầy tràn con người Đức Ki-tô và được biểu lộ qua tất cả lời giảng, việc làm. Sống và giảng dạy như thế, Đức Ki-tô đã nói lên đường lối dạy dỗ của Thiên Chúa. "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy"18. Đức Ki-tô đã để lại một đường lối giảng dạy tuyệt vời là tình yêu, động lực khiến Người giảng dạy bằng cách chia sẻ chính cuộc sống mình và cuối cùng bằng cái chết trên thập giá làm chứng cho đức tin vào Thiên Chúa Cha và niềm tin vào nhân loại.

Nói với giáo lý viên, các giám mục Hoa-kỳ nhắn nhủ:

"Ngoài gia đình ra, chúng từ ủua giáo lý viên có thể là quan trọng bậc nhất trong từng giai đoạn của tiến trình dạy giáo lý. Dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, giáo lý viên gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên những người học giáo lý qua việc họ trung thành loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô và gương mẫu đời sống Ki-tô sáng ngời của họ. Để việc huấn giáo có hiệu quả, giáo lý viên phải hoàn toàn dấn thân cho Đức Giê-su Ki-tô. Họ phải vững tin vào Tin Mừng của Người và vào sức mạnh của Tin Mừng có thể biến đổi cuộc sống. Giáo lý viên phải trao ban những giáo huấn của Đức Ki-tô cho những người học giáo lý; giáo lý viên phải chuẩn bị cho họ lãnh nhận những bí tích do Đức Ki-tô thiết lập; giáo lý viên phải hướng dẫn họ biết sống theo giáo lý luân lý của Đức Ki-tô; và giáo lý viên phải dẫn dắt cho họ biết cầu nguyện với Đức Ki-tô. Giáo lý viên phải lấy những lời của Đức Ki-tô làm những lời của mình: "Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi" (Ga 7:16) và họ cùng với thánh Phao-lô tuyên xưng rằng: "Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận" (1Cr 15:3)."19

Đức Ki-tô đã lãnh nhận mọi điều từ Thiên Chúa để truyền lại cho các môn đệ. Những lãnh nhận và đáp trả của Người là tất cả nội dung đời sống tâm linh của Người, hay nói khác đi, quan hệ sống động giữa Đức Ki-tô với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần và với nhân loại đã cho chúng ta biết đời sống tâm linh của Người như thế nào. Như Đức Ki-tô đã kết hiệp mật thiết với Chúa Cha để có sự sống phong phú mà chia sẻ cho nhân loại, giáo lý viên cũng phải kết hiệp với Đức Ki-tô mật thiết để được sống dồi dào và chia sẻ sự sống ấy với học sinh giáo lý của họ. "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em." Giáo lý viên được sai đi, nhưng phải là những giáo lý viên có một đời sống tâm linh thật sống động và sẵn sàng đem chia sẻ cho người khác.

Chúng ta sẽ tự hỏi: Tôi phải bắt đầu việc đào tạo đời sống tâm linh thế nào và tiếp tục đào tạo làm sao? Trở về với Đức Ki-tô là khởi đầu và kết hiệp với Đức Ki-tô sẽ là tiếp nối mãi mãi.


1 Mt 23:8

2 x. National Directory for Catechesis, tr. 54

3 x. National Directory for Catechesis, tr. 55

4 1 Cr 15:3

5 United States Conference of Catholic Bishops, National Directory for Catechesis, Washington, D.C.: USCCB, 2005.

6 x. National Directory for Catechesis, tr. 236-237

7 National Directory for Catechesis, tr. 229

8 National Directory for Catechesis, tr. 237

9 National Directory for Catechesis, tr. 237-238

10 National Directory for Catechesis, tr. 239

11 Ga 10:10

12 Gl 2:20

13 Pl 1:21

14 1Cr 12:28-29

15 Ga 15:1-6

16 x. The General Directory for Catechesis, nos. 137-138

17 Ga 15:14-15

18 Ga 14:23

19 National Directory for Catechesis, tr. 110

LM Trần Đình Nhi

0 nhận xét

Leave a Reply

Cảm ơn bạn đã đọc và cho ý kiến về bài viết.
>>> Để nhận xét:
1. Ở phần "Nhận xét với tư cách" bạn chọn phần "Tên/URL".
2. Bạn nhập tên của mình vào và ở mục URL bạn nhập tên và ".com" (Ví dụ: Tên: Vidu, URL:vidu.com) Và click "Tiếp Tục"
3. Và sau đó bạn chỉ cần nhận xét bài viết của mình và click "Đăng nhận xét"...

>>>Hân hạnh được đón tiếp bạn tại trang web "Con Yêu Mến Chúa!" . Hy vọng đây sẽ là nơi bổ ích và thú vị cho bạn. Rất mong nhận được sự đóng góp của bạn để cùng nhau xây dựng "Con Yêu Mến Chúa!" ngày 1 lớn mạnh.

Thân ái,
Cảm ơn bạn!